Cách phòng và điều trị nước ăn chân
Về mùa mưa lũ, nhiều địa phương bị ngập nước kéo dài, có nơi ra khỏi nhà là phải lội nước, lại là nước bẩn... nên có thể gặp nhiều bệnh tật, trong đó có "nước ăn chân". Bệnh thường xuất hiện mấy ngày sau khi bị ngập và rất phổ biến.
Muốn đề phòng "nước ăn chân", cần chú ý giữ chân sạch, nhất là các kẽ ngón chân là nơi thường ẩm và bẩn, rất thuận lợi cho bệnh phát triển. Sau khi lội nước bẩn, phải rửa chân kỹ bằng nước sạch, rồi lau khô bằng khăn sạch, đặc biệt chú ý các kẽ ngón chân.
Nước ăn chân (Ảnh minh họa)
Khi thấy các kẽ ngón chớm bị ngứa đỏ, không nên gãi nhiều, móng tay sắc và bẩn có thể làm sây sát chỗ ngứa, gây nhiễm khuẩn khó chữa thêm. Có thể nấu ngay một số lá ngâm rửa chân để đỡ ngứa và ngăn chặn bệnh phát triển, như:
- Nấu nước lá lốt xông chân, rồi ngâm rửa chân.
- Nấu nước kim ngân đặc rửa chân.
- Lấy búp ổi (hoặc lá mướp già) giã với muối, xát nhẹ vào chỗ ngứa, ngày 2-3 lần.
Một số bài thuốc dân gian khác:
- Lấy lá trầu không, vò nát, xát vào các kẽ ngón chân, hoặc lấy nước vắt ở lá trầu bôi vào các kẽ ngón chân, các nốt loét ngứa sẽ khỏi nhanh. Nhiều tài liệu nghiên cứu cũng đã xác nhận trong lá trầu có chất kháng sinh có tác dụng diệt nhiều loại vi khuẩn và nấm, nên đã dùng nước lá trầu làm thuốc sát khuẩn rửa vết thương, chữa bỏng và lở loét đạt kết quả tốt.
- Lấy 20 g phèn chua, 100 g hoàng đằng. Để phèn chua lên một mảnh sắt, đun cho phèn chảy ra rồi trắng khô, đem ra tán thành bột. Hoàng đằng cũng thái nhỏ, tán thành bột. Trộn lẫn 2 thứ, để vào lọ sạch, nút kín. Khi bị "nước ăn chân", lấy bột này rắc vào các kẽ ngón bị ngứa loét.