Cách phòng ngừa đau dạ dày
Không khám kịp thời gây ra biến chứng
Khoảng 5 năm trước, chị Xuân, 55 tuổi (ở huyện Quốc Oai- Hà Nội) cảm thấy đau âm ỉ vùng thượng vị, nóng rát, thỉnh thoảng ợ hơi, ợ chua. Vì chủ quan cho rằng, đau dạ dày như thế này là bệnh phổ biến và nhiều người bị nên chị không đi khám mà chỉ uống thuốc Nam hoặc thuốc Tây. Hết đợt thuốc chị thấy đỡ đau là thôi.
Tình trạng này kéo dài đến khi chị Xuân thấy người mệt mỏi và gầy rộc đi. Đi khám tại BV Bạch Mai thì bác sĩ thấy trong dạ dày của chị xuất hiện khối u to bằng quả trứng. Điều đáng tiếc là khi tế bào lấy từ khối u được mang đi sinh thiết thì kết quả cho thấy chị bị ung thư. Sau đó, chị Xuân được phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày nhưng sức khỏe thì giảm sút nghiêm trọng và khó cứu vãn.
Không chỉ có chị Xuân mà rất nhiều người bị viêm dạ dày biến chứng thành ung thư.
Bác Hưng một giáo viên cấp 3 về hưu Quảng Xương – Thanh Hóa đột nhiên thấy đau bụng nhưng nghĩ rằng đau đơn giản nên không đi khám. Đến khi cảm giác đau kéo dài một thời gian bác mới đi khám thì choáng váng khi nghe bác sĩ kết luận có khối u trong dạ dày. Trải qua các đợt trị xạ, truyền hóa chất, đến nay đã 3 năm trôi qua bác đã vượt qua được “cửa tử” nhưng sức khỏe giảm sút.
Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam có trên 15.000 ca mới được chẩn đoán ung thư dạ dày và hơn 11.000 ca tử vong vì bệnh này. Đại đa số bệnh nhân ung thư dạ dày khi đau quá không chịu được, gầy sút nhanh mới đến viện khám thì đã ở giai đoạn nguy hiểm, nên tiên lượng rất xấu, chỉ có 15% bệnh nhân sống thêm được 5 năm. Đây là bệnh ung thư phổ biến hàng thứ 2 trong số 10 loại ung thư nguy hiểm thường gặp tại nước ta.
Do chủ quan mà rất nhiều người không chú ý đến bệnh đau dạ dày của mình, đến khi cảm thấy khó chịu, đau đớn mới đi khám thì bệnh trở nên trầm trọng. Ảnh minh họa
Căn bệnh của xã hội hiện đại
Theo bác sĩ Đặng Văn Nguyên, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Hà Nội, thì đau dạ dày hay nói chính xác là viêm dạ dày, loét dạ dày, viêm loét dạ dày hành tá tràng… còn được coi là căn bệnh của xã hội hiện đại.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày như do ăn nhanh, ăn vội vàng, nhai không kỹ, do căng thẳng thần kinh, ăn uống không đúng giờ, ăn đồ ăn nhanh được chế biến sẵn, uống nhiều rượu bia và các chất kích thích, sử dụng thuốc kháng sinh cũng là nguyên nhân gây bệnh dạ dày với viêm, loét bờ cong nhỏ, tiền môn vị, môn vị hoặc có thể viêm loét hang vị; nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây viêm loét dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tiền sử gia đình có cha mẹ, anh, chị em, hoặc con cái của một người có tiền sử ung thư dạ dày cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam đưa ra lời khuyên: Những bệnh liên quan đến dạ dày luôn tiềm ẩn nguy cơ ung thư nhưng những biểu hiện của bệnh đau dạ dày với ung thư dạ dày khó phát hiện nên nhiều người nhầm tưởng chỉ là đau dạ dày đơn thuần nên chủ quan. Triệu chứng lâm sàng của 2 bệnh đều là đau rát vùng thương vị, đầy bụng, khó tiêu, chỉ chẩn đoán phân biệt khi nội soi dạ dày để quan sát tổn thương và lấy mẫu tế bào sinh thiết, làm các xét nghiệm khác.
Để phòng ngừa bệnh dạ dày, mỗi người nên có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế thói quen dùng bia rượu, ăn nhiều đồ nướng, hút thuốc, uống nhiều rượu bia, thiếu hoạt động thể chất, hoặc béo phì.. Lưu ý khi bị đau lưng, đau nhức xương khớp không tự ý mua thuốc giảm đau, chống viêm, chống nhiễm khuẩn về điều trị, mà nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
Cũng theo lương y Vũ Quốc Trung thì đối với những người vừa bị viêm khớp lại đau dạ dày có thể hàng ngày dùng mật ong và nghệ được sử dụng để chữa đau dạ dày. Nghệ là dược liệu có tác dụng sinh cơ, làm lành vết thương.
Riêng đối với việc phòng ngừa bệnh viêm loét dạ dày có vi khuẩn Hp cách tốt nhất nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn sạch, uống sạch.
Đối với những người đã mắc bệnh cần hạn chế căng thẳng. Nên xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp, thời gian biểu thích hợp. Trong quá trình điều trị nên thực hiện theo những chỉ dẫn của thầy thuốc.
Khi thấy có dấu hiệu của bệnh đau dạ day như đau bụng, thường là phần trên của bụng, từ rốn trở lên đến phía dưới các xương sườn, buồn nôn, đôi khi ói mửa, chán ăn, đầy hơi… cần đến các cư sở y tế để khám bệnh.