Cách phân biệt lẹo và chắp mắt
Lẹo và chắp là những nốt nằm dọc bờ mi hoặc bên trong mi mắt, gây khó chịu nhưng hiếm khi nghiêm trọng. Chúng có thể hình thành sau tình trạng viêm mi mắt và là một bệnh lý thường gặp ở mi mắt, nhưng phần lớn bệnh nhân cho rằng nguyên nhân do ăn uống “đồ nóng”. Hầu hết lẹo và chắp tự khỏi không cần điều trị.
Cách nhận diện
Vi trùng tụ cầu vàng (tên khoa học là Staphylococcus aureus), phát triển tại nang (chân) lông mi, gây viêm và tắc nghẽn các tuyến nhờn nhỏ ở mi mắt hình thành một hay một vài nốt đỏ đau trên mi, gọi là nốt lẹo. Sự cọ xát mắt (như dụi mắt), đặc biệt khi lẹo đang rò mủ, có thể làm nhiễm trùng lan rộng và xuất hiện nhiều lẹo khác. Đây là cơ hội lây lan nhiễm trùng ra mặt, hoặc những nơi khác trên cơ thể, có thể đưa đến những bệnh nhiễm trùng da. Biểu hiện:
- Sưng, đau và có thể chảy nước mắt.
- Có thể có rũ mi mắt.
- Hầu hết lẹo sưng đau khoảng 3 ngày trước khi vỡ và thoát dịch.
- Lẹo thường tự lành trong khoảng 1-2 tuần.
Một cái chắp có dạng là một u chắc, tròn, nhẵn hay như mộ cái nang (cyst) nằm dưới da mi mắt. Chắp không do nhiễm trùng, có thể trong giống lẹo nhưng thường lớn hơn và có thể không đau. Nó hình thành khi có tình trạng tắc nghẽn các tuyến nhờn sâu trong sụn mi mắt, gây phình to các tuyến do ứ trệ các chất bã tiết. Khi các tuyến này vỡ, các chất bã tiết được phóng thích vào các mô sụn liền kề trong mi mắt đưa đến phản ứng viêm không do vi trùng, tạo thành u hạt nổi lên trong mi mắt và có thể gây sẹo. Nếu một mụt lẹo trong mi mắt không được dẫn lưu hay tiêu đi, nó cũng có thể trở thành chắp.
- Chắp phát triển chậm hơn lẹo. Nếu một cái chắp đủ lớn, nó có thể làm ảnh hưởng đến thị lực.
- Hiếm khi đau, đỏ
- Tình trạng sưng viêm có thể lan rộng ra vùng quanh mắt
- Chắp thường tự khỏi trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.
Những yếu tố có thể góp phần làm tắc nghẽn các tuyến nhờn: Các bệnh lý viêm tại vùng mi mắt như viêm bờ mi, viêm tuyến nhờn; Rosacea (viêm da mặt mạn tính: đỏ da, đôi khi có mụn); Do dị ứng và môi trường; vệ sinh mắt kém.
Chẩn đoán
Bác sĩ chẩn đoán lẹo hay chắp bằng cách dựa vào bệnh sử và triệu chứng lâm sàng.
Cách điều trị
Những phương pháp tại nhà là đủ điều trị cho hầu hết chắp và lẹo:
- Luôn rửa tay sạch trước khi chạm vào mắt hay nhỏ mắt.
- Với lẹo: Chườm ấm mi mắt với mắt nhắm trong 10-15 phút/lần, từ 3-6 lần/ ngày. Nhiệt độ ấm làm tăng máu cung cấp đến mắt, giúp hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng đồng thời góp phần thông các tuyến nhờn bị tắc và giúp thoát dịch hay mủ - làm thúc đẩy quá trình lẹo lanh xảy ra nhanh hơn. Hãy để lẹo tự vỡ thoát mủ.
- Dùng bông gòn nhúng vào 1 cốc nước ấm pha với 2 giọt dầu gội trẻ em rửa mi mắt khoảng 2 phút, cách này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, loại bỏ vi trùng của lẹo khi vỡ, ngăn ngừa mọc lẹo mới, đặc biệt là lẹo tái phát nhiều lần.
- Với chắp: có thể mát-xa mi mắt bằng cách đặt miếng vải ẩm ấm lên mi mắt đang nhắm trong 5 phút để làm mềm chắp. Sau đó, dùng ngón tay sạch nhẹ nhàng xoa vùng sưng theo hướng đi về phía bờ mi mắt trong 1 phút. Lặp lại quá trình này 2 lần/ngày trong giai đoạn cấp và duy trì 1 lần/ngày sau đó.
- Tránh việc chích, đè nặn lẹo hay chắp. Điều này gây kích ứng mi mắt và lan rộng vùng sưng viêm, nhiễm trùng.
Chỉ định điều trị:
- Kháng sinh nhỏ mắt: khi có sự thoát mủ hay nhiễm trùng lan rộng gây viêm kết mạc mi mắt.
- Kháng sinh chỉ định uống trong trường hợp: lẹo biến chứng viêm mô tế bào quanh mắt; có nhiều nốt lẹo; lẹo tái phát nhiều lần hoặc có tình trạng viêm tuyến nhờn mạn tính.
- Nếu lẹo hay chắp lớn, gây biến dạng mi mắt hay không đáp ứng với điều trị thông thường, bác sĩ có thể cần rạch lẹo dẫn lưu hay nạo bỏ chắp.
Kết luận một số đặc điểm của Lẹo và chắp
Lẹo:
- Sốt và đỏ mi mắt
- Không có dấu hiệu giảm sau 3 ngày, nếu đã áp dụng cách thức điều trị đã nêu
- Sưng viêm lan rộng ra hốc mắt hay vùng khác trên mặt
- Bị tái phát
Chắp:
- Không nhỏ hơn sau 1 tháng chườm ấm và xoa mi mắt
- Sưng nhiều hơn
- Tồn tại hơn 2 tháng
- Mi mắt sưng đỏ