Cách phân biệt bệnh cảm lạnh với viêm mũi dị ứng
Cảm lạnh và viêm mũi dị ứng đều dễ xuất hiện trong mùa lạnh. Và thực tế cho thấy không ít người uống thuốc chữa cảm lạnh chán chê mới biết hóa ra mình bị viêm mũi dị ứng.Dù dễ bị nhầm lẫn như vậy nhưng về bản chất bệnh lý, chúng không có “anh em họ hàng” gì với nhau.
Cảm lạnh thông thường là dạng bệnh truyền nhiễm do virus. Khi cơ thể bạn không thích ứng kịp với cái lạnh, nó sẽ dễ bị các loại virus phát triển mạnh trong loại thời tiết này “bắt nạt”, dẫn đến các triệu chứng ở đường hô hấp trên như mũi, họng. Các triệu chứng này không phải do virus trực tiếp gây ra mà là hệ quả của phản ứng cơ thể trước virus. Còn viêm mũi dị ứng là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng với yếu tố ngoại lai nào đó (như bụi, phấn hoa…) xâm nhập cơ thể nhằm mục đích bảo vệ. Và trong khi tấn công “kẻ lạ”, các kháng thể cũng làm phiền chính “khổ chủ” do kéo theo các triệu chứng khó chịu.
Làm test chẩn đoán nguyên nhân gây dị ứng.
Rất dễ nhận thấy các triệu chứng giống nhau giữa cảm lạnh và viêm mũi dị ứng. Chúng đều ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, gây hắt hơi, sổ mũi… Triệu chứng mệt mỏi cũng có thể xuất hiện ở cả hai bệnh. Tuy nhiên, nếu như cảm lạnh là bệnh lây nhiễm do virus dễ dàng truyền từ bệnh nhân sang những người tiếp xúc gần thì viêm mũi dị ứng không lây.
Phân biệt thế nào?
Tuy biểu hiện bên ngoài của hai bệnh na ná giống nhau nhưng thực ra cũng có nhiều điểm khác biệt. Triệu chứng viêm mũi dị ứng xuất hiện ngay khi tiếp xúc với dị nguyên và hết khi đã loại trừ chúng, và khi bệnh đã lui là mọi triệu chứng biến mất như không có dấu vết, cơ thể lại khỏe khoắn bình thường.Trong khi đó, biểu hiện cảm lạnh xuất hiện từ từ sau thời gian ủ bệnh, và khỏi cũng từ từ.
Ngoài biểu hiện hắt hơi, sổ mũi gặp cả ở hai bệnh như đã kể trên, nếu bị sốt, đau nhức toàn thân thì không nghi ngờ gì nữa, bạn bị cảm lạnh, bởi những triệu chứng này không có ở bệnh dị ứng.
Nếu bạn bị ho và đau họng thì nhiều khả năng đã mắc cảm lạnh.Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh viêm mũi dị ứng cũng gây các triệu chứng này.Còn nếu bạn thấy ngứa mắt thì thường đó là biểu hiện dị ứng, tuy đôi khi cũng gặp ở cảm lạnh. Quả thật, sự khác biệt này không mấy rạch ròi và bệnh nhân khó có thể dựa vào đó để biết chắc mình bị cảm lạnh hay dị ứng, vì vậy thay vì tự kiếm lấy vài viên thuốc uống, hãy đến bác sĩ.
Và có một thực tế là ngay cả bác sĩ nhiều khi cũng gặp khó khăn trong chẩn đoán phân biệt hai bệnh trên. Họ thường dựa vào sự khác biệt khá rõ nét là thời gian duy trì triệu chứng.Viêm mũi dị ứng có thể biến mất chỉ trong vài ngày hoặc kéo dài cả tháng, trong khi cảm lạnh thường diễn ra trong 3-14 ngày.Tuy nhiên đây cũng không phải dấu hiệu chắc chắn, bởi nhiều khi người bệnh chưa kịp khỏi đợt cảm lạnh này đã nhiễm ngay một đợt cảm lạnh mới, lai rai suốt mấy tuần.
Làm gì khi nghi cảm lạnh hay dị ứng?
Điều đầu tiên tất nhiên là đến gặp bác sĩ thay vì tự điều trị. Ngay cả khi chưa thể khẳng định chắc chắn bạn bị cảm lạnh hay viêm mũi dị ứng, bác sĩ vẫn có giải pháp để giúp bạn dễ chịu hơn mà không gây hại trong thời gian theo dõi.
Điều tiếp theo cần làm là tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân cảm lạnh thường được cho thuốc hạ sốt giảm đau, thuốc chống nghẹt mũi, thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài việc dùng thuốc, súc miệng nước muối, xịt mũi bằng nước muối dạng phun sương… bạn cần làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao lực. Nên ăn các món nóng, dễ tiêu vì ngoài việc cung cấp dinh dưỡng, làm ấm cơ thể, đồ ăn nóng còn giúp thông mũi.
Còn nếu bị viêm mũi dị ứng, ngoài việc sử dụng thuốc chống dị ứng (đường uống và xịt) do bác sĩ kê đơn, bạn còn phải tránh tối đa việc tiếp xúc với các dị nguyên. Các thuốc chống dị ứng thường có tác động hai mặt, nếu bị lạm dụng hoặc dùng sai cách sẽ phản lại bạn, vì vậy nhất thiết phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Bạn cũng nên thực hiện các test dị ứng để xác định chính xác yếu tố nào gây phản ứng quá mẫn ở bạn, thậm chí nếu bị nặng và thường xuyên thì phải đến chuyên gia về dị ứng để tiến hành các kiểm tra về dị ứng nguyên.