Cách nhận biết bé đang bị đói
Dân gian có câu “Con khóc thì mẹ cho bú” với nghĩa tường minh là một cách hướng dẫn mẹ nhận biết thời điểm cho con ăn. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học thì khóc là tín hiệu muộn cho thấy bé bị đói. Nói cách khác, nếu mẹ đợi đến lúc con khóc mới cho ăn thì có thể bé đã đói quá rồi. Có một số dấu hiệu để mẹ sớm nhận biết nhu cầu của bé.
1. Khóc
Với trẻ sơ sinh, tiếng khóc là “ngôn ngữ” chủ yếu để bé giao tiếp với mẹ và những người xung quanh. Nhưng có sự khác nhau giữa tiếng khóc khi con đói và con đau… Nếu mẹ thấy bé khóc từng hồi ngắn, âm thanh lớn dần khi không được bú thì đó là lúc bé đã đói bụng rồi.
2. Liếm môi
Đây là dấu hiệu đầu tiên (dấu hiệu sớm) khi bé đói. Mẹ cần đáp ứng nhu cầu cho bé ngay, đặc biệt là trong những tháng đầu đời.
3. Dụi đầu vào ngực người bế bé
Một dấu hiệu khác cho thấy bé bị đói là bé dụi đầu vào ngực của người đang bế như thể đang tìm ti mẹ. Đầu bé cứ lắc qua bên này, bên kia liên tục cho đến khi được bú.
4. Mút tay
Ở những tháng đầu, mút tay cũng có thể là dấu hiệu để mẹ nhận biết bé đang đói. Bé mút tay chùn chụt rồi rút tay ra và lặp lại liên tục – đó là lúc mẹ cần cho bé bú. Một số bé khác có thể gặm quần áo, đồ chơi… thay vì ngón tay.
5. Quấy khóc
Lớn hơn một chút, ngoài tiếng khóc, bé có thể hậm hực hay ho hắng… để thể hiện nhu cầu muốn ăn của mình. Nếu để ý kỹ một chút, mẹ có thể “đọc” được ý nghĩa của những lần quấy khóc khác nhau.
6. Cử động mắt
Ngay cả khi ngủ, bé vẫn có nhu cầu được ăn. Nếu mẹ thấy tròng mắt của bé chuyển động nhanh mà mắt vẫn nhắm hờ thì đó là lúc bé cần ăn thêm.
7. Thay đổi sắc thái trên khuôn mặt
Nếu bị đói, lưỡi của bé sẽ đưa ra đưa vào liên tục. Một số bé khác lại chóp chép miệng như để tìm kiếm ti mẹ.
8. Đập tay vào cánh tay, ngực của người bế
Một số bé thể hiện sự khó chịu bằng cách đập liên tục vào tay và ngực người bế bé. Khi thấy dấu hiệu này, mẹ có thể cho bé ăn để đáp ứng lại cơn đói hoặc trấn an bé (nếu bé đang cáu giận điều gì đó).