Logo Bài Thuốc Quý

Cách kiêng cữ cho mẹ bầu sau khi sinh, xưa và nay

01/01/2020 · Sức khỏe
Quan niệm kiêng cữ ngày xưa và nay có rất nhiều điểm khác biệt.

Ngày xưa

Có thế nói phụ nữ sau sinh ngày xưa phải kiêng cữ rất nhiều thứ và những quan niệm này vẫn còn được áp dụng ở không ít gia đình ngày nay. Nếu bạn đang sống trong gia đình có đến 3-4 thế hệ thì chắc chắn bạn cũng sẽ từng phải kiêng khem khá khắt khe sau sinh. Theo quan niệm của các cụ ngày xưa, việc kiêng khem sau sinh nở là rất cần thiết để sau này người phụ nữ tránh gặp phải những chứng bệnh có thể xảy ra như đau lưng, tê chân tay, ù tai, bị lạnh…

Hãy cùng đi tìm hiểu những quan niệm kiêng cữ trong dân gian các mẹ nhé!

Kiêng tắm gội

Sau sinh nở, Tú Linh được mẹ chồng nhắc nhở là phải kiêng tắm gội ít nhất 2 tuần. Bà bảo phụ nữ sau sinh càng kiêng tắm gội được bao lâu càng tốt. Vì vậy, dù vô cùng ngứa ngáy nhưng Linh không dám trái ý mẹ chồng. Theo quan niệm của mẹ chị, việc kiêng tắm gội và sử dụng nước lạnh là rất cần thiết. Bà kể ngày xưa các cụ còn phải kiêng đến cả tháng để cho các chân lông thu lại bình thường như hồi chưa bầu bí. Bà không kiêng cữ được nhiều nên bây giờ cứ nhìn thấy nước là đã nổi hết da gà, nhất là khi trời lạnh. Vì vậy, mẹ chồng chị cố gắng kiêng cữ cho con dâu hết mức có thể. Sinh Nhím đã được gần 2 tuần mà Linh chẳng phải động tay đến bất cứ việc gì.

Mẹ bầu, Kiêng cữ cho mẹ bầu

Từ việc rửa mặt cũng được mẹ chồng giặt khăn mang đến tận giường. “Đúng là số mình sướng, được mẹ chồng chu đáo nhưng vì bà cẩn thận quá nên đôi lúc cũng làm mình khó chịu. Ai đời, đẻ xong, mồ hôi ra nhiều mà mẹ dứt điểm không cho tắm, mình chỉ mong sao cho nhanh hết 2 tuần để còn được tắm rửa và gội đầu cho thoải mái”, chị Linh chia sẻ.

Kiêng ăn uống

Theo như quan niệm của các cụ ngày xưa, bà đẻ chỉ được ăn cá bống kho khô, rau ngót và uống nước đun sôi. Tại nhiều gia đình, các bà, các mẹ phải ăn thực đơn đó đến cả 3 tháng 10 ngày (hết thời gian ở cữ). Theo quan niệm cũ thì việc ăn da dạng các loại thực phẩm như bắp cải xanh, cá biển, thịt bò, rau muống... sẽ khiến “cửa mình” (cổ tử cung) lâu “khép lại” như thuở chưa mang thai. Mẹ đẻ ăn tôm còn khiến dạ con không co lại được. Không chỉ có thể, bà mẹ sau sinh còn phải kiêng ăn cả trái cây, uống nước lạnh đặc biệt là kiêng ăn mít đến 3 tháng 10 ngày.
Bài liên quan:

Kiêng sinh hoạt

Trên giường nằm dưỡng sức sau sinh, vừa cầm chiếc điện thoại định nhắn tin thông báo tin vui với bạn bè, chị Hương (Từ Liêm, Hà Nội) đã bị mẹ đẻ gọi khiến chị giật thót. Bà bảo phụ nữ mới sinh con không được sử dụng điện thoại, xem tivi, đọc sách hay xỏ kim vì sau này sẽ khiến mắt mau mờ. Bà còn không cho chị đánh răng bằng bàn chải và xỉa răng sau bữa ăn mà chỉ được ngậm nước muối ấm để súc miệng. Theo quan niệm của bà, bà đẻ đánh răng sớm sẽ khiến chân răng sau này hay bị đau buốt đặc biệt là lúc trời trở lạnh.

Không chỉ có thế, theo quan niệm kiêng cữ ngày xưa, các bà, các mẹ còn phải kiêng không được bưng bê vật nặng, không được ngồi nhiều vì sau này dễ bị mỏi lưng. Sau khi sinh phải mặc áo dài tay, đeo tất chân để tránh bị nổi da gà và ớn lạnh, tai phải nhét bông gòn để không bị ù tai. Đặc biệt, chị em sau sinh còn không được dùng quạt và cả điều hòa, sẽ không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. Ở rất nhiều địa phương, bà đẻ còn phải nằm than để cơ thể ấm lại, máu huyết lưu thông, tuần hoàn máu tốt hơn và để trẻ sơ sinh nhanh cứng cáp.

Có một quan niệm vô cùng đặc biệt mà phụ nữ sau sinh ngày xưa phải kiêng cữ đó là không được chạm vào roi, cây hoặc lá dâu vì nếu vô tình chạm vào các bà, các mẹ sẽ mất đi tuyến sữa vĩnh viễn kể cả sau này bạn sinh lần tiếp theo – quan niệm này thật đáng sợ phải không các mẹ?

Kiêng “chuyện ấy”

Phụ nữ sau sinh ngày xưa phải kiêng tiếp xúc với chồng vì bị cho rằng sẽ đem lại những điều xui xẻo, nhất là đến công danh, sự nghiệp của chồng. Đặc biệt, bà đẻ còn phải kiêng 'chuyện ấy' đến 3 tháng 10 ngày – hết thời gian ở cữ. Quan điểm này là khá phổ biến. Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã chứng minh, chị em không nhất thiết phải kiêng cữ thái quá như thế nếu sức khỏe sau sinh đã ổn định.

Ngày nay

Quan niệm kiêng cữ sau sinh ngày nay “thoáng” hơn nhiều ngày xưa. Theo các chuyên gia khoa sản, việc kiêng cữ thái quá sau sinh là không cần thiết. Nhiều quan niệm kiêng sau sinh còn gây ra những hậu quả xấu như kiêng tắm gội quá lâu sẽ khiến sản phụ mắc bệnh về da, gây bệnh cho con; kiêng sử dụng điều hòa khiến cả sản phụ và trẻ sơ sinh bị cảm vì quá nóng… Ngày nay, chị em sinh nở chỉ cần kiêng những thứ thật cần thiết như kiêng ăn các gia vị cay, nóng như ớt, tiêu, tỏi và hạn chế các đồ uống có chất kích thích như trà, cà phê.

Mẹ đẻ không nên kiêng tắm, gội vì trong quá trình sinh nở, cơ thể tiết ra rất nhiều mồ hôi và chất thải dồn ứ ở lỗ chân lông, rất dễ gây bệnh. Tắm gội sớm làm sạch da, tẩy bỏ các tế bào chết và lớp bụi bẩn bám trên bề mặt da, giúp cơ thể sảng khoái, máu lưu thông tốt hơn. Các mẹ chỉ cần lưu ý tắm nơi kín gió, bằng nước ấm, tắm nhanh và tắm gội không quá lâu. Nếu sinh thường chị em có thể tắm sau sinh nở 1 ngày. Trong trường hợp đẻ mổ phải kiêng khoảng 2-3 ngày khi vết mổ đã lành là có thể tắm được.

Việc kiêng chải răng sau sinh cũng không cần thiết vì phụ nữ sau sinh ăn nhiều chất bổ dưỡng, dễ khiến cho vi khuẩn xâm nhập và gây sâu răng, ảnh hưởng không tốt cho cả mẹ và bé. Chị em cũng cần có chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất để có nguồn sữa  tốt nhất cho con bú và sức khỏe nhanh phục hồi.

Đối với “chuyện ấy”, theo các chuyên gia, sau sinh từ 6-8 tuần, phụ nữ có thể “yêu” trở lại. Tuy nhiên, các cặp đôi nên quan hệ nhẹ nhàng, cần nhiều sự âu yếm khi "khởi động" để tránh đau đớn, nếu có, cho phụ nữ. Không ít phụ nữ tỏ ra thất vọng vì sau khi sinh dường như chuyện chăn gối không như mong muốn. Điều này phần lớn do sự căng thẳng, hoặc do âm đạo sau khi sinh còn khô, giao hợp khó khăn... Các mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục. Nếu chưa sẵn sàng, bạn có thể chia sẻ với anh xã để cả hai hiểu nhau hơn và được thoải mái nhất.

Việc kiêng cữ sau sinh là cần thiết, tuy nhiên, chị em nên chọn lọc nhưng quan điểm kiêng cữ đúng cách. Không nên kiêng một cách quá khắt khe khiến tâm lý bị căng thẳng và đôi khi còn gây hại cho cả hai mẹ con. Dù vậy, nếu bạn sống trong một gia đình có nhiều thế hệ với mẹ hoặc bà, hãy khéo léo “đối nhân xử thế” để không mất lòng mọi người chỉ vì những quan niệm kiêng cữ ngày xưa nhé!

Theo Khampha.vn