Logo Bài Thuốc Quý

Cách giúp bé không mút tay

01/01/2020 · Sức khỏe
Mút tay không chỉ là thói quen xấu mà nó còn kéo theo các loại vi khuẩn vào cơ thể qua đường miệng, ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Tuy nhiên các bé đâu có nhận thức được điều này, gần như bé nào cũng có sở thích cho tay vào mồm. Vậy làm thế nào để bé không thích mút tay nữa? Cùng tìm hiểu các cách sau đây nhé.

Những mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bé không còn thích mút tay nữa:

Cho bé thấy mình trong gương

Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng biện pháp này cũng rất hữu ích với bé “nghiện” mút tay. Hãy để bé nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương khi đang mút tay, rồi nhẹ nhàng phân tích và nhắc nhở bé: “Con nhìn kìa, mút tay trông xấu xí quá” hay chê bai tật xấu của con: “Eo ơi, nước dãi chảy kìa…”. Với cách này, chắc chắn bé sẽ dần bỏ được tật mút tay.

“Dọa” bé

Đây là cách các mẹ thường áp dụng với bé và nó cũng tương đối hiệu quả. Bạn có thể nhẹ nhàng hoặc thể hiện sự sợ hãi và nói với bé rằng, mút tay sẽ đưa trực tiếp vi khuẩn, giun sán vào miệng, hơn nữa việc bé mút tay sẽ bị bạn bè trêu và ê xấu. Với bé lớn hơn (3-4 tuổi), bạn có thể chọn những bức ảnh có minh họa về vi khuẩn cho bé xem rồi giải thích cho bé hiểu, vi khuẩn cư trú nhiều trên bàn tay và sẽ theo vào miệng của bé, làm sâu răng, đau bụng.

Bé mút tay, tránh mút tay cho bé

Ảnh minh họa

Khiến bé bận rộn với đôi tay

Một trong những nguyên nhân khiến bé thường mút tay là do những lúc rảnh rỗi không biết làm gì, không có ai chơi. Vì vậy, bạn cần làm cho bàn tay của bé luôn bận rộn bằng cách cho con chơi đồ chơi nào đó. Khi bé định đưa ngón tay lên miệng, hãy đánh lạc hướng bé, bằng cách gọi bé đến trò chơi mà bé phải sử dụng cả hai tay. Trước khi đi ngủ, bạn nên để bé cùng dùng tay giữ sách trong lúc bạn đọc sách, kể chuyện cho bé nghe.

Ôm gấu bông đi ngủ

Mút tay khi ngủ là thói quen khó bỏ của nhiều bé. Nếu không tập cho bé bỏ thói quen này thì sau này sẽ rất khó cai “nghiện” cho bé. Với bé dưới 1 tuổi, bạn nên dùng gối chèn để bé không đưa tay lên miệng, hoặc có thể đeo bao tay, quấn băng tay hoặc dùng bôi thuốc đắng vào ngón tay để bé không mút tay (thuốc đắng cần phải có sự tư vấn của bác sĩ). Với những bé lớn hơn, bạn có thể cho bé ôm một con thú bông hoặc một cái gối ôm nhỏ mềm mại để đôi tay bé không còn rảnh rỗi đưa lên miệng.

Khen ngợi sự thay đổi của bé

Thường xuyên quát mắng khi bé mút tay không phải là giải pháp tuyệt vời mà bạn nên áp dụng. Hãy khen ngợi khi bé có những sự tiến bộ, điều này sẽ thúc đẩy sự hợp tác và nghe lời của bé. Khi thấy bé ít mút tay, bạn cần khen ngợi để bé ý thức được tầm quan trọng khi mình “nói không với mút tay”. Nó có thể sẽ hiệu quả hơn khi bạn thưởng cho bé một phần thưởng nho nhỏ để động viên bé.

Nhờ sự hỗ trợ của các bé khác

Đây cũng là một cách bạn nên thử áp dụng nếu bé lớn rồi mà vẫn mút tay. Khuyến khích bé chơi với các anh, chị lớn tuổi và không mắc tật này. Chúng sẽ giúp bạn nhắc nhở bé mỗi khi mút tay. Dần dần, được nhắc nhở nhiều lần bé sẽ tự động rời xa thói quen xấu này.

Theo Song Nữ/Suckhoegiadinh.com.vn