Cách điều trị giãn phế quản
Các điều trị giãn phế quản bao gồm:
1. Dùng kháng sinh mỗi khi có đợt bội nhiễm của giãn phế quản.
Các tiêu chí đánh giá đợt bội nhiễm của giãn phế quản bao gồm:
- Ho khạc đờm tăng
- Khạc đờm mủ, màu xanh, hoặc màu vàng
- Bệnh nhân giãn phế quản có hội chứng nhiễm trùng rõ sau khi đã loại trừ nhiễm trùng do căn nguyên khác
Những trường hợp không có các dấu hiệu nêu trên, nhưng có ho máu cũng là chỉ định dùng kháng sinh
- Thời gian dùng kháng sinh thường từ 10-15 ngày. Những trường hợp giãn phế quản rất nặng, thời gian dùng kháng sinh có thể kéo dài hơn, thậm chí tới 1 tháng.
Ảnh minh họa – Internet
2. Dẫn lưu đờm:
Là liệu pháp điều trị rất quan trọng, có thể coi có tầm quan trọng như dùng kháng sinh, nhưng bệnh nhân lại hầu như không mất tiền. Các biện pháp dẫn lưu đờm thường hay dùng bao gồm:
2.1. Hướng dẫn cho bệnh nhân cách ho, khạc đờm sâu và vỗ rung lồng ngực, kết hợp dẫn lưu tư thế hàng ngày. Tùy theo vị trí giãn phế quản mà lựa chọn tư thế cho phù hợp với nguyên tắc vùng giãn phế quản được đặt ở vị trí cao nhất. Vùng giãn phế quản ở phía sau: bệnh nhân được đặt nằm xấp, vùng giãn phế quản ở phía trước: bệnh nhân được đặt nằm ngửa… Sau đó dùng hai bàn tay khum lại, vỗ đều vào ngực bệnh nhân. Kết hợp rung và lắc ngực. Mỗi lần làm kéo dài 15-20 phút, ngày làm từ 2-3 lần. Việc vỗ rung và dẫn lưu tư thế tiếp tục được duy trì tại nhà cho bệnh nhân. Nên đóng ghế vỗ rung để việc vỗ rung được thuận tiện hơn.
2.2. Soi phế quản ống mềm nếu có. Trong quá trình soi tiến hành hút dịch phế quản làm xét nghiệm vi sinh vật, bơm rửa lòng phế quản, giải phóng đờm mủ bít tắc
3. Nếu có hội chứng xoang phế quản (bệnh nhân giãn phế quản có kèm và viêm đa xoang mạn tính): có thể cho bệnh nhân uống erythromycine 10 mg/kg/ngày, chia 2 lần, kéo dài từ 6 – 24 tháng nếu bệnh nhân không bị các tác dụng phụ của thuốc. Không dùng đồng thời với Theophyllin hoặc các thuốc cùng nhóm xanthin do gây xoắn đỉnh.
4. Khi bệnh nhân có khó thở, nghe phổi có ran rít, ngáy, bệnh nhân thường được dùng thêm các thuốc giãn phế quản dùng đường uống hoặc khí dung hoặc kết hợp cả hai. Các thuốc có thể được dùng bao gồm:
Thuốc giãn phế quản: salbutamol, terbutaline, thuốc kháng cholinergic, theophylline, bambuterol…
5. Khi bệnh nhân có ho máu:
Bệnh nhân thường được dùng kháng sinh, dùng thuốc cầm máu, an thần. Trường hợp ho máu nặng, bệnh nhân có thể cần được thở oxy, đặt nội khí quản hoặc nội soi phế quản để hút máu đọng. Truyển máu khi có thiếu máu.
Những trường hợp ho máu không điều trị hiệu quả với thuốc cần được chỉ định chụp động mạch phế quản và xét nút tắc động mạch phế quản gây chảy máu.
6. Phẫu thuật:
Chỉ định cắt phân thuỳ, thuỳ hoặc cả bên phổi cho những trường hợp giãn phế quản khu trú; giãn phế quản có ho máu nặng hoặc ho máu tái phát.
TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai