Logo Bài Thuốc Quý

Cách chữa viêm tai chảy mủ

01/01/2020 · Sức khỏe
Viêm tai chảy mủ thường gặp là viêm tai giữa. Đông y gọi bệnh này là "nùng nhĩ". Bệnh được chia ra hai thể: Cấp tính và mạn tính.

Ở thể cấp tính bệnh nhân thường có sốt trong tai sưng đau, phù nề, thậm chí có mủ, chất mủ trắng hoặc xanh, vàng, có thể đặc, dính hoặc loãng, người bứt rứt khó chịu.

Thể mạn tính thường do bệnh điều trị không dứt điểm để kéo dài, tai luôn trong tình trạng ẩm ướt, chảy mủ, có mùi hôi, sức nghe giảm, người bệnh cảm thấy đau tai, ù tai, chóng mặt. Đông y cho rằng, nguyên nhân sinh bệnh là do can, đởm hỏa nhiệt hoặc phong quấy rối gây nên. Điều trị bệnh này có thể sử dụng một số bài thuốc sau:

Đối với thể cấp tính

Viêm tai chảy mủ


- Tai sưng đau, chảy mủ nhiều, miệng đắng, họng khô, hoa mắt, tiểu tiện vàng sẻn. Phải sơ giải uất nhiệt ở thiếu dương kiêm thẩm thấp.

Bài 1: Bán hạ 10g, cam thảo 8g, phục linh 12g, mộc thông 8g, bạch truật 12g, đẳng sâm 12g, sinh khương 8g, sa tiền tử 8g, trạch tả 12g. Sắc uống ngày một thang chia 2-3 lần.

Bài 2: Sài hồ 12g, ngưu hoàng 10g, bồ công anh 30g, kim ngân hoa 30g, sơn chi tử 12g, long đởm thảo 15g, hoàng cầm 12g, bạc hà 10g. Sắc uống ngày một thang.

- Trường hợp tâm phiền, mủ chảy ra khó khăn phải thanh can tả hỏa, tán phong trừ thấp, thác lý bài nùng.

Bài 1: Hương phụ 10g, bạch thược 10g, địa cốt bì 10g, hoàng kỳ 15g, bạch chỉ 10g, hoàng cầm 10g, cam thảo 8g, đương quy 10g, sài hồ 10g, long đởm thảo 6g. Sắc uống.

Bài 2: Sài hồ 12g, bán hạ 8g, sinh khương 10g, hoàng cầm 12g, sơn chi tử 12g, cam thảo 8g, long đởm thảo 12g, hạ khô thảo 12g, kim ngân hoa 12g, bồ công anh 12g, liên kiều 12g, cúc hoa 12g. Sắc uống ngày một thang.

Đối với thể mạn tính

- Tai chảy mủ, tái phát nhiều lần, sắc mủ trắng hoặc vàng hoặc sẫm màu, đầu nặng tai ù, khó chịu. Phải dùng pháp thanh nhiệt, liễm thấp, thông hòa huyết mạch.

Bài thuốc: Huyết kiệt 15g, nhi trà 15g, ngũ bội tử 20g, lô cam thạch nung 250g, ô tặc cốt bỏ vỏ cứng 100g, băng phiến 2g, nghiền mịn, trộn bột kép, đóng gói 6g. Ngày uống 2-3 lần mỗi lần một gói.

- Trường hợp tai chảy mủ trong loãng lâu ngày không khỏi, kèm theo hay tắc mũi, chảy nước mũi phải thanh lý phế khí, hóa trọc thông khiếu.

Bài thuốc: Hoàng cầm 10g, tử tô 10g, tân di hoa 10g, rễ lau 15g, thạch xương bồ 8g, ké đầu ngựa 10g, bạch chỉ 10g, sinh thảo 10g, kim ngân hoa 15g. Sắc uống ngày một thang.

- Nếu tai chảy mủ kéo dài, chất mủ đặc dính, tai ù, sức nghe giảm, sườn trướng khó chịu, rêu lưỡi nhớt nhiều đờm do đàm ứ lấp khiếu, khí cơ không thông phải trừ đàm, khử ứ, hành khí, thông khiếu.

Bài thuốc: Sài hồ 10g, xuyên khung 12g, đương quy 15g, mần tưới 10g, bạch linh 12g, hương phụ 10g, thạch xương bồ 12g, hồng hoa 10g, bán hạ 10g. Sắc uống ngày một thang.

- Trường hợp tai chảy mủ lâu ngày lúc chảy lúc không, mủ loãng, đầu choáng tai ù, tâm phiền, lưng đùi yếu mỏi, sắc mặt đỏ bừng, có lúc tai rỉ mủ ra vàng dính đó là do thận âm bất túc hư hỏa ở trong bốc lên, nhiệt độc chưa thải trừ hết phải tư âm bổ thận, thoái nhiệt, giải độc thẩm thấp lợi khiếu.

Bài thuốc: Thục địa 32g, hoài sơn 16g, sơn thù 16g, mẫu đơn 12g, phục linh 12g, trạch tả 12g, tri mẫu 12g, hoàng bá 12g, bồ công anh 12g, kim ngân hoa 12g, khổ sâm 12g. Sắc uống ngày một thang chia 2-3 lần.

Ngoài việc dùng thuốc uống trong có thể dùng thuốc rửa tại chỗ.

Bài 1: Hoàng liên 10g, băng phiến 4g, nghiền thật mịn, trộn đều thành thuốc bột. Rửa tai bằng nước ôxy già 10 thể tích cho sạch, lau khô, rồi rắc một lượng thuốc vừa đủ 3-4 lần trong ngày, liên tục trong vài ngày.

Bài 2: Ngũ bội tử 10g, băng phiến 3g, hoàng liên 5g, rượu trắng 40g. Ngũ bội tử sấy khô, nghiền vụn, hoàng liên thái nhỏ, 3 vị đem ngâm vào rượu 2-3 tuần. Rửa sạch tai bằng nước ôxy già rồi dùng rượu thuốc trên nhỏ vài ba giọt vào ống tai ngày 3 lần.

Sưu tầm