Logo Bài Thuốc Quý

Cách chăm sóc bé sinh non tại nhà

01/01/2020 · Sức khỏe
Chăm sóc trẻ sinh non phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và điều kiện môi trường xung quanh ngay từ phút đầu sau đẻ.

Sau khi về nhà, trẻ sinh non vẫn cần một chế độ chăm sóc đặc biệt.

Ngày càng nhiều “bé mèo” được cứu sống

Sinh non là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Ở nước ta, 10- 20 năm trước chúng ta chưa có khả năng nuôi sống những trẻ sinh non ở độ tuổi dưới 28 tuần tuổi. Hiện nay với trang thiết bị hiện đại việc nuôi sống những bé này đã có nhiều tiến bộ để giúp trẻ có thể khỏe mạnh và phát triển giống như trẻ đủ tháng.

Những ngày gần đây, thông tin cặp song sinh sinh non 500gr Giang Thiên Ân và Giang Thiên Bảo được xuất viện khiến nhiều người xúc động. Đây không chỉ là niềm hạnh phúc lớn lao của gia đình bé mà đó còn là một thành tựu khoa học lớn, một kỳ tích mà công tác chăm sóc trẻ sinh non của Việt Nam đạt được từ trước tới nay.

Trước đó, BV Phụ sản TƯ cũng đã từng cứu sống một bé bị sinh non, chỉ nặng 500 gram. Sinh con thiếu tháng, nặng chỉ nửa cân, chị Nguyễn Thị H (Hải Dương) không nghĩ con sẽ sống được. Cháu bé được các y tá ở khoa Sơ sinh (BV Phụ sản T.Ư) đặt tên là Nguyễn Thị Gái với hy vọng cháu sẽ dễ nuôi. Ngoài chứng vàng da, cháu bé còn đối mặt với hàng loạt nguy cơ bị viêm ruột, xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết não, các bệnh thần kinh, hô hấp… Lá phổi chưa trưởng thành, chưa tiết ra được chất làm phổi nở ra giúp cho cháu bé hô hấp được. Ngoài tiêm thuốc làm nở phổi, các bác sỹ đã cho bé thở máy, thở supáp, khi bỏ ra được thì cho cháu thở ôxy tiếp. Bốn y tá giỏi nhất của Khoa Sơ sinh được phân công để chăm sóc cháu bé. Sau 3 tháng, từ một “bé mèo”, cháu đã nặng gần 3kg khi xuất viện.

PGS.TS Vũ Bá Quyết – Giám đốc BV Phụ sản TƯ cho biết, ngày càng nhiều em “bé mèo” được cứu sống. Bệnh viện cũng đã từng điều trị thành công nhiều trường hợp sinh non nguy cơ cao khác với bệnh lý phức tạp. Nhưng trường hợp hai bé Thiên Ân – Thiên Bảo có thể coi là trường hợp vô cùng đặc biệt vì là song sinh sinh non thụ tinh ngoài ống nghiệm. Hay trường hợp cháu Gái là ca đầu tiên nuôi sống thành công với trẻ 500 gram. Hiện tại, Khoa cũng đang nuôi dưỡng nhiều cặp sinh đôi chỉ nặng 600 – 700 – 900 gram. Trên thế giới, trẻ nhẹ cân nhất nuôi dưỡng thành công là hơn 300 gram. Nếu trước kia, trẻ sinh non được cứu sống thường để lại các dị tật như điếc, mù do bệnh lý võng mạc, chậm về trí tuệ… thì hiện nay, với sự kết hợp của các chuyên ngành, các bác sĩ đã phát hiện và điều trị sớm nên trẻ phát triển hoàn toàn bình thường.

Chăm sóc bé sinh non

Sự phát triển của trẻ sinh non phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng và điều kiện môi trường xung quanh… Ảnh minh họa.

Chăm sóc trẻ sinh non tại nhà

Theo BS Quyết, trẻ sinh thiếu tháng hay còn gọi là sinh non là trẻ ra đời trước thời hạn bình thường trong tử cung, có tuổi thai từ 28-37 tuần (theo định nghĩa của WHO). Sự phát triển của trẻ sinh thiếu tháng phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng và điều kiện môi trường xung quanh ngay từ phút đầu sau đẻ. Bởi trẻ sinh thiếu tháng thường có sức đề kháng yếu và sức khỏe gặp nhiều rủi ro hơn so với trẻ bình thường. Sau khi về nhà, trẻ đẻ non vẫn cần một chế độ chăm sóc đặc biệt, đòi hỏi sự tích cực và kiên nhẫn của gia đình. Nếu được hưởng một chế độ chăm sóc tốt, sau này trẻ sẽ thích nghi và phát triển gần như một trẻ sinh đủ tháng bình thường.

Các chuyên gia y tế cho biết, thông thường trẻ sinh non có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với trẻ khác. Do vậy cha mẹ cần hết sức thận trọng để bảo vệ bé khỏi nhiễm trùng đó, đặc biệt trong những ngày đầu về nhà. Khi về nhà mọi người đến thăm bé, nếu muốn bế bé thì cha mẹ nên bảo họ rửa tay. Cũng nên hạn chế tiếp xúc với đám đông. Những người bị bệnh đường hô hấp hoặc bệnh cúm, không tiếp xúc và chăm sóc trẻ.

Về giấc ngủ của bé, trẻ sinh non ngủ rất nhiều nên bà mẹ cần đánh thức bé theo giờ để được bú. Không nên để bé ngủ li bì vì sẽ không đảm bảo lượng sữa cho bé phát triển. Trong những ngày đầu về nhà có thể bé rất khó ngủ do chưa thích nghi, bà mẹ không nên lo lắng vì sau vài ngày bé sẽ quen. Trẻ đẻ non cũng vẫn cần phải tiêm chủng theo đúng lịch tiêm chủng. Điều này sẽ giúp bé chống lại vi rus, vi khuẩn gây bệnh.

Chế độ ăn uống của trẻ sinh thiếu tháng phải đặc biệt chú ý, mọi dụng cụ dùng để cho trẻ em cần phải tuyệt trùng tuyệt đối. Đối với trường hợp mẹ không có sữa hoặc ít sữa mà phải cho trẻ dùng sữa ngoài cần xem trẻ có bị dị ứng sữa không, có rối loạn tiêu chảy không… Việc dùng sữa cũng phải theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa để phù hợp.

Về mặt vệ sinh, trẻ sinh thiếu tháng càng phải vệ sinh da sạch sẽ như trẻ bình thường, do đó phải tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm, xà phòng cho trẻ em, tắm nhanh, lau khô. Có nhiều bà mẹ thấy con nhỏ bé quá nên sợ không tắm cho con, điều này không tốt vì thế rất dễ làm cho da bé bị bẩn gây nhiều bệnh tật.

Để hiệu quả hơn trong việc chăm sóc ăn uống cho trẻ sinh thiếu tháng các bà mẹ nên tìm sự tư vấn các bác sĩ dinh dưỡng và tuân thủ đúng theo sự hướng dẫn, bởi trẻ sinh thiếu tháng cần được duy trì dinh dưỡng cao năng lượng cho đến khi được ít nhất 9 tháng tuổi và có thể kéo dài đến 12 tháng. Trong qúa trình chăm sóc tại nhà, nếu thấy trẻ có biểu hiện vàng da nhiều tăng nhanh, ngủ nhiều khó thức dậy, kích thích nhiều hơn, bú kém, khó thở, xanh tái quanh môi, mắt hoặc miệng, sốt hoặc hạ thân nhiệt, không tiểu > 12 giờ, không đại tiện  > 4 ngày hoặc tiêu phân đen hay có máu… cần đưa trẻ đi khám kịp thời.

Theo Gia Hân/Afamily.vn