Logo Bài Thuốc Quý

Cách ăn uống hợp lý trong mùa hè

01/01/2020 · Sức khỏe
Mùa hè, tiết trời nóng nực khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn, vì thế, sức khỏe của nhiều người giảm sút và nguy cơ mắc bệnh càng cao. Để có sức khỏe chống chọi với nắng nóng, việc lựa chọn thức ăn và nước uống rất quan trọng.

Nguyên tắc chung cho những người khó ăn hoặc không muốn ăn uống vào ngày nóng nực là phải đảm bảo nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể qua con đường ăn uống, vì thế, không nên bỏ bữa, đồng thời biết cân đối các nhóm thực phẩm cung cấp những dưỡng chất thiết yếu.

Cụ thể, nhóm cung cấp gluxit và vitamin B (chất đường bột) bao gồm gạo, ngô...; nhóm cung cấp chất đạm là thịt, cá, tôm, trứng, sữa...; nhóm cung cấp vitamin, muối khoáng và chất xơ là các loại rau quả xanh. Không nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo nhưng cũng không hạn chế quá mức bởi chất béo giúp vitamin A hoà tan, phòng tránh cơ thể thiếu vitamin A, dẫn đến khô mắt và khô da.

Với người cao tuổi, đậu phụ là món ăn khá lý tưởng bởi thực phẩm này giàu dưỡng chất, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và nhuận tràng. Có thể sử dụng đậu phụ dưới nhiều dạng như uống sữa đậu nành, tào phớ hay sữa chua... Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều.

ăn uống hợp lý


Với nhóm thực phẩm cung cấp nguồn đạm, nên chọn các thức ăn như cua, trai, hến, tôm... Thức ăn này vừa cung cấp protein, vừa bổ sung chất khoáng đã bị mất do cơ thể bài tiết qua đường mồ hôi. Với các loại rau, nên chọn mồng tơi, rau ngót, rau sam, mướp, mướp đắng, bí đao... là những loại rau mát bổ. Nên ăn nhiều các loại quả, tuy nhiên, tùy vào cơ địa từng người mà chọn các loại quả cho phù hợp. Người có cơ địa nhiệt tránh ăn các loại quả chứa nhiều đường như vải, xoài, dứa... mà nên sử dụng cam, chanh, lê, nho, táo...

Mùa hè có nhiều loại nước giải khát như các loại trà giải nhiệt, các loại nước ngọt, sôđa, nước khoáng... Cần chú ý, khi cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi bạn không nên uống những loại nước đá, bởi khi uống đồ uống lạnh cơ thể không bổ sung và điều tiết nhanh chóng lượng nước và muối đã bị mất đi, ngược lại, còn làm loãng dịch dạ dày, giảm khả năng diệt khuẩn của dịch vị, dẫn tới các vi sinh vật gây ra bệnh đường ruột như tiêu chảy, lỵ. Hơn nữa nếu uống nhiều nước đá sẽ làm nhiệt độ cơ thể tăng thêm.

Đặc biệt, với những người mắc bệnh đường ruột mạn tính thì càng phải có sự lựa chọn kỹ càng khi dùng các loại thức ăn, đồ uống. Chẳng hạn, người mắc hen suyễn, viêm đại tràng, viêm dạ dày thì không nên uống các đồ uống lạnh có vị chua; người mắc bệnh đái tháo đường không sử dụng đồ uống lạnh có đường.

Sử dụng các loại nước ngọt có gas, nước giải khát đóng chai, hộp để uống trong những ngày nắng nóng sẽ không có lợi cho sức khỏe. Nguyên nhân là do các loại nước ngọt này chứa một lượng đường khá cao, có khả năng làm tăng cân, béo phì và tăng huyết áp.

Ngoài ra, đường cung cấp nhiệt năng cho cơ thể, gây nóng bức. Hơn nữa, nước ngọt có gas giúp cơ thể sảng khoái và dễ chịu trong khi uống nhưng vì có tính kiềm nên làm trung hoà dịch vị, giảm khả năng tiêu hoá dạ dày. Mùa hè, bạn có thể sử dụng các loại nước canh đậu xanh, trà hoa cúc... có tác dụng giải nhiệt, giúp tinh thần sảng khoái, phấn chấn.

Theo (Sức khỏe & Đời sống)