Các triệu chứng của bệnh ung thư tinh hoàn
Đáng nói là bệnh này diễn tiến thầm lặng nên khó phát hiện, đến khi phát hiện, đa số bệnh nhân lại ngại ngần không đi khám nên khối u ác tính ngày một to ra và xâm lấn toàn bộ tinh hoàn. Đến lúc toàn bộ tinh hoàn chỉ là khối ung thư thì đã muộn. Trong khi đó, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng, khả năng khỏi bệnh khá lớn.
Ảnh minh họa
Đối tượng dễ mắc bệnh này
Hiện nay, y học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, có một vài trường hợp có thể gia tăng nguy cơ ung thư gồm:
- Những người có tinh hoàn ẩn: đây là tình trạng tinh hoàn không nằm trong bìu như bình thường, tức là bìu trống rỗng và tinh hoàn thì nằm chỗ khác. Các vị trí nó có thể định cư là trong ổ bụng hay trên thành bụng.
Đây là trường hợp nguy cơ cần được lưu ý nhất. Tỷ lệ ung thư tinh hoàn do việc “đi lạc” gây ra dao động từ 2,5-14%. Nghĩa là cứ trong 100 trẻ trai bị tinh hoàn ẩn không được xử trí đúng và kịp thời thì có 3-14 trẻ sẽ bị ung thư tinh hoàn.
- Những người trong độ tuổi từ 15-35: Ung thư tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng đây là lứa tuổi bị ung thư tinh hoàn nhiều nhất. Có tới trên 50% trường hợp ung thư tinh hoàn ở độ tuổi này.
- Những người gia đình có tiền sử ung thư tinh hoàn: Nếu một bé trai có cha bị ung thư tinh hoàn thì bé có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bốn lần so với các bé đồng trang lứa. Còn nếu anh em trai cùng một thế hệ bị bệnh thì tỷ lệ không may với bé cao gấp tám lần.
- Những người có tinh hoàn nhỏ hay tinh hoàn không có hình dạng bình thường.
- Những người bị chấn thương ở vùng tinh hoàn, bị viêm tinh hoàn do bị quai bị trong tuổi dậy thì.
- Những người làm việc trong điều kiện nhiệt độ quá nóng hoặc ngồi lâu một chỗ cũng dễ có nguy cơ mắc bệnh như thợ mỏ, lái xe đường dài, công nhân dầu khí…
- Ngoài ra, ung thư tinh hoàn còn gặp trong một số đối tượng như: bị nhiễm HIV, Klinefelter, chàm da bẩm sinh, u sắc tố da…
Ảnh minh họa
Biểu hiện của ung thư tinh hoàn cần được đi khám
Khi có sự thay đổi đáng kể về kích thước và hình dạng của hai tinh hoàn, điều này có thể gây ra đau đớn nhưng cũng có thể không. Cảm giác nặng ở bìu. Cảm thấy đau ở vùng thắt lưng, bụng và háng. Tóm lại, bất cứ khi nào có biểu hiện tức nặng tinh hoàn, đau ở tinh hoàn, sưng ở bìu, sờ có mảng cứng, sờ thấy u cục, tinh hoàn to ra hay nhỏ đi một cách bất thường thì cần đi khám ngay để phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh.
Những bệnh nhân đã xác định là bị ung thư tinh hoàn cần được phẫu thuật ngay, vì việc sinh thiết khi xác định bệnh sẽ khiến cho các tế bào ung thư di căn rất nhanh.
Đối với hầu hết các trường hợp phải phẫu thuật, việc cắt bỏ tinh hoàn không ảnh hưởng đến khả năng làm chồng. Sau khi cắt bỏ tinh hoàn bị ung thư, một số người đã chọn giải pháp cấy tinh hoàn giả vào trong bìu để bộ phận sinh dục ngoài trông được tự nhiên.
Cách phòng ngừa ung thư tinh hoàn
Đối với bé trai mới sinh, cần kiểm tra ngay xem có dị tật bẩm sinh về tiết niệu sinh dục hay không. Quan trọng nhất là xem hai tinh hoàn có nằm trong bìu hay ở vị trí khác. Gặp trường hợp tinh hoàn không xuống bìu, phải mổ hạ tinh hoàn trước hai tuổi.
Tất cả nam giới, nhất là thanh niên, phải biết cách tự kiểm tra tinh hoàn của mình. Kiểm tra vùng tinh hoàn ngay sau khi tắm bằng nước ấm lúc da vùng bìu đang mềm. Đặc biệt chú ý đến kích cỡ, hình dáng và độ lớn của tinh hoàn.
Nên cảnh giác với những cục nhỏ dưới da như mụn cơm trước hoặc dọc theo tinh hoàn. Khi thấy có dấu hiệu bất thường như tinh hoàn bên này to hơn bên kia và cảm thấy nặng ở bìu, vướng, đau… phải đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tiết niệu.
Tất cả bệnh nhân ung thư tinh hoàn đã được điều trị phải có kế hoạch theo dõi chặt chẽ, phát hiện kịp thời khi bệnh tái phát.