Các loại thuốc làm hại mắt
Bà Ngô Thị Thu (Q.Tân Bình, Tp.HCM) bị bệnh tim lâu ngày nên phải dùng thuốc trợ tim. Sau khi dùng một thời gian dài, mắt bà có các triệu chứng khác thường, đôi lúc bà bị ảo giác hoặc quá nhạy cảm với ánh sáng. Bác sĩ cho biết, không chỉ có vậy, thuốc trợ tim còn gây ra nhiều tác dụng phụ khác như: thay đổi sắc thái, gây mù thoáng qua và tăng cảm nhận ánh sáng.
1. Thuốc gây loét kết giác mạc và khô mắt
Đây là hội chứng dị ứng thuốc Stevens-Johnson và Lyell nặng nhất. Người bệnh bị nổi các bọng nước trên da kết hợp với viêm loét niêm mạc mắt, miệng, bộ phận sinh dục… Một nghiên cứu cho thấy, khoảng 80-90% số bệnh nhân bị tổn thương mắt, trong đó 35% bị các di chứng mờ đục, sừng hoá và tăng sinh mạch máu ở giác mạc gây mù lòa vĩnh viễn, khô mắt kéo dài do sẹo kết mạc và tắc ống lệ.
Có khoảng hơn 200 loại thuốc khác nhau có thể gây ra các hội chứng này, thường gặp nhất là các kháng sinh. Bên cạnh đó, các thuốc có tác dụng kháng cholinergic (như atropine) có thể gây giảm tiết nước mắt, làm cho mắt có cảm giác đau nóng rát và ngứa. Các thuốc propranolol, thuốc chữa loãng xương được ghi nhận có thể gây mờ mắt, khô mắt và giảm tiết nước mắt.
2. Thuốc gây hại cho võng mạc
Plaquenil là thuốc được ưa chuộng để điều trị thấp khớp, có thể gây những tác hại bất biến cho võng mạc. Cũng như vậy thuốc điều trị tăng huyết áp clonidine, hay thioridaxine (một thuốc chống viêm) có thể gây tổn hại cho biểu mô sắc tố của võng mạc. Một loạt các thuốc chống viêm thuộc dòng không phải steroide như Aspirin, Ibuprofen nếu dùng kéo dài có thể gây xuất hyết võng mạc.
Bên cạnh đó, chúng cũng gây ra đục thể thủy tinh, khô mắt. Do vậy, khi dùng kháng sinh, ta có thể dùng thêm các chế phẩm sinh học như acidophilus hay bifidus và vitamine C để phòng ngừa tác hại của kháng sinh.
3. Thuốc làm giảm thị lực
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Walton ở Liverpool (Anh) đã theo dõi 600 bệnh nhân sử dụng thuốc vigabatrin (một loại thuốc chống động kinh phổ biến) trong vòng 3 năm. Kết quả cho thấy 43% người dùng gặp tình trạng mắt bị yếu đi, nhìn không rõ. Vì vậy, người bệnh cần được cảnh báo về tai biến này trước khi quyết định dùng thuốc.
4. Thuốc gây đục thủy tinh thể
Có nhiều thuốc làm tăng tính mẫn cảm của mắt với ánh sáng, sau đó là chuỗi phản ứng quang hóa gây biến đổi cấu trúc mô của mắt. Do vậy, chúng có thể gây đục thể thủy tinh hay tổn hại vùng hoàng điểm. Danh sách các “thủ phạm” này khá dài bao gồm: Các thuốc kháng histamine, các thuốc tránh thai đường uống, một số loại thuốc an thần, thuốc uống chống đái tháo đường, thuốc chống trầm cảm… Trong đó, dẫn đầu là nhóm steroids. Có khoảng 50% bệnh nhân dùng prenisone liều 10-15mg/ngày trong 2 năm sẽ xuất hiện đục thể thủy tinh.
5. Loại thuốc làm tổn thương giác mạc
Các thuốc chống sốt rét (chloroquine, quinacrine) có thể gây biến đổi giải phẫu giác mạc. Cảm giác nhìn qua quầng sáng, chói mắt, sợ sáng sẽ xảy ra nếu có biến chứng tại giác mạc. Sản phẩm cordarone, rất nổi tiếng trong chuyên khoa tim mạch cũng gây một bệnh rất nổi tiếng cho giác mạc đó là bệnh lý biểu mô giác mạc dạng vòng. Nhưng nếu bạn dừng thuốc thì những biến chứng trên cũng có thể mất đi.