Các loại thực phẩm cản trở sự hấp thụ sắt trong cơ thể
Sắt đóng một số vai trò quan trọng trong cơ thể của chúng ta bao gồm cả việc vận chuyển oxy trong toàn bộ cơ thể. Vì vậy, cơ thể cần được bổ sung đủ lượng sắt cần thiết. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta chỉ hấp thụ một phần chất sắt từ các loại thực phẩm chúng ta tiêu thụ vì hấp thu chất sắt chủ yếu bị ảnh hưởng bởi số lượng sắt đã được lưu trữ sẵn trong cơ thể. Cơ thể sẽ hấp thụ chất sắt ít hơn nếu nó đã có một số lượng lớn sắt lưu trữ trong gan, lá lách và tủy xương. Bên cạnh đó, việc hấp thu sắt trong cơ thể cung có thể bị tác động tiêu cực bởi một số thực phẩm và cách chúng ta ăn uống. Có những thực phẩm có thể cản trở sự hấp thụ sắt trong cơ thể.
Đó là những nhóm thực phẩm dưới đây:
1. Nhóm thực phẩm giàu canxi
Nhóm thực phẩm này bao gồm sữa, sữa chua, phô mai, cá hồi, cá mòi, đậu hũ, quả sung, đại hoàng... Chúng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt vào cơ thể nếu bạn ăn quá 50mg mỗi lần. Nếu bạn bổ sung 300-600mg canxi cùng lúc có thể ức chế hấp thu sắt đáng kể.
Tuy nhiên, một số các loại thực phẩm giàu canxi khác như cá và sung lại là những nguồn quan trọng của sắt. Chất sắt trong cá dễ dàng được hấp thụ bởi cơ thể. Hơn nữa, canxi cũng là một khoáng chất thiết yếu cần thiết cho xương và răng khỏe mạnh. Vì vậy, bạn không nên tránh hoàn toàn các thực phẩm này mà hãy bổ sung chúng một cách chừng mực.
Ảnh minh họa
2. Nhóm thực phẩm giàu phốt pho
Cũng như canxi, phốt pho là chất rất quan trọng cho việc duy trì sức khỏe của xương. Tuy nhiên, nó cũng có thể ảnh hưởng xấu đến sự hấp thu sắt vào cơ thể. Phốt pho chủ yếu được tìm thấy trong thịt gia cầm, cá, sản phẩm sữa, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và các loại đậu... Nhưng thịt, cá, thịt gia cầm... cũng lại là một nguồn tuyệt vời của sắt do đó bạn không nên loại bỏ chúng hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống. Bạn có thể bổ sung chúng cùng với các loại thực phẩm giàu vitamin C để tạo thuận lợi cho sự hấp thu sắt trong ruột.
3. Cà phê và trà
Cà phê và trà cũng có thể làm giảm khả năng hấp thu chất sắt, chủ yếu là do sự hiện diện của một hợp chất gọi là tanin. Tannin là một loại polyphenol, có thể có một tác dụng ức chế mạnh tới sự hấp thu sắt. Ngoài cà phê và trà, một số đồ uống khác có chứa tannin là rượu vang đỏ, táo và nước trái cây mọng và bia cũng không có lợi cho quá trình hấp thu sắt trong cơ thể. Bạn có thể tránh tác dụng ức chế của các loại đồ uống này bằng cách không uống chúng trong vòng hai giờ trước và sau khi tiêu thụ bất kỳ thực phẩm giàu chất sắt nào.
Ảnh minh họa
4. Các loại thực phẩm chứa oxalat
Oxalat là muối hoặc este của axit oxalic có thể làm giảm hấp thu chất sắt trong cơ thể. Rau bina là một nguồn chứa sắt rất phong phú nhưng nó cũng chứa oxalat. Đây chính là lý do tại sao lượng sắt trong rau bina có thể không được dễ dàng hấp thu bởi cơ thể khi ăn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chất oxalat có thể khắc phục được bằng cách ăn rau bina với thức ăn giàu thịt và vitamin C như cam, bông cải xanh. Ngoài rau bina, oxalat có thể được tìm thấy trong củ cải, cải xoăn, trà, sôcôla, đại hoàng, húng quế, rau mùi tây, rau oregano...
Các loại thực phẩm giúp tăng cường hấp thu sắt
Có một số loại thực phẩm có thể làm tăng sự hấp thu sắt trong cơ thể. Những thực phẩm này có thể giúp chống lại các tác động của những hợp chất ức chế hấp thu khoáng chất quan trọng này, đặc biệt là những thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam quýt, ổi, kiwi, dâu tây, ớt chuông, bông cải xanh, súp lơ, cải bruxen và các loại rau lá sẫm và màu xanh lá cây như cải xoăn và cải xanh...