Các loại dưỡng chất quan trọng cần bổ sung khi mang thai
Là những vi chất thiết yếu nhất đối với cơ thể, vitamin và khoáng chất cung cấp cho cả mẹ và bé những dinh dưỡng cần thiết nhất. Dưới đây là 7 vitamin và khoáng chất quan trọng nhất mà mẹ cần chú ý bổ sung ngay từ trước và trong thời kỳ mang thai để giúp bé phát triển khỏe mạnh và toàn diện nhất:
Axit folic
Có nhiều trong: các loại hạt vỏ cứng, đậu, trái cây họ cam và rau lá xanh.
Axit folic có nhiều trong các loại rau lá xanh đậm. (Ảnh minh họa)
Axit folic hỗ trợ sự phát triển của hệ thống thần kinh trung ương ở thai nhi. Bởi vì hệ thống thần kinh phát triển mạnh trong tháng đầu thai kì, và thường ngay cả trước khi mẹ nhận ra mình đã mang thai nên việc bổ sung thực phẩm chứa nhiều axit folic ngay từ khi có ý định mang thai là vô cùng quan trọng. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo phụ nữ nên uống viên uống bổ sung axit folic trước khi mang thai ít nhất một tháng với liều dùng hàng ngày ở mức 400 mg. Ngoài ra, theo tiến sỹ bác sỹ Kecia Gaither tại trung tâm y tế New Yorks, Mỹ thì đối với phụ nữ bị béo phì, hoặc từng có con gặp các vấn đề về dị tật bẩm sinh ở não hay mắc bệnh hồng cầu hình liềm thì nên gặp bác sỹ để được tư vấn tăng liều dùng cần thiết.
Sắt
Có nhiều trong: đậu đỏ, hàu, đậu lăng, rau bina, vừng.
Theo kết quả một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Plos One năm 2011, thiếu sắt trong đầu thai kỳ có thể có tác động lớn tới sự phát triển lâu dài của thai nhi sau khi chào đời. Lượng sắt khuyến cáo cần được bổ sung hàng ngày đối với phụ nữ không mang thai là 18 mg, nhưng vào giai đoạn chuẩn bị mang thai hay đang mang thai, lượng bổ sung cần được tăng lên đáng kể. Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý song song với việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất sắt, mẹ cũng nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, cà chua để hỗ trợ cho quá trình hấp thụ sắt của cơ thể.
Vitamin C
Có nhiều trong: dâu tây, cam, kiwi, xoài, quả việt quất.
Theo hiệp hội Mang thai Mỹ (American Pregnancy Association) thì vitamin C có thể giúp kích thích quá trình rụng trứng ở phụ nữ cũng như làm tăng số lượng tinh trùng ở nam giới. Chính vì vậy, cả bố và mẹ nên chú ý bổ sung nhiều thực phẩm và rau quả giàu vitamin C ngay từ khi quyết định có con. Lượng bổ sung khuyến cáo hàng ngày là 90 mg cho nam giới và 75 mg cho nữ giới, và nên được tăng lên vào thời kỳ mang thai.
Canxi
Có nhiều trong: sữa, pho mát, sữa chua, bông cải xanh, rau lá xanh đậm.
Sữa và các chế phẩm từ sữa chính là nguồn cung cấp canxi dồi dào nhất cho cơ thể. (Ảnh minh họa)
Theo tiến sỹ bác sỹ Gaither thì việc bổ sung canxi ngay từ trước khi mang thai cũng có tác dụng hỗ trợ sự phát triển xương của thai nhi. Theo khuyến cáo, phụ nữ nên bổ sung ít nhất 1000 mg canxi mỗi ngày, cả trước và trong thời kỳ mang thai. Nếu cơ thể mẹ không thích ứng vỡi sữa, mẹ cũng có thể bổ sung canxi thông qua các nguồn khác như rau cải và các loại rau lá xanh đậm khác.
Vitamin B6
Có nhiều trong: gà, rau bina, cà rốt, gạo lật, hạt hướng dương.
Bổ sung vitamin B6 thường xuyên có tác dụng điều hoà lượng tiết các hormone trong cơ thể và hạn chế tình trạng ốm nghén trong thời kỳ mang thai. Bên cạnh đó, bước vào trong thai kỳ vitamin B6 không những giúp ổn định quá trình hoạt động của hệ thống thần kinh mà còn là một chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của não bộ của bé. Lượng vitamin B6 khuyến cáo bổ sung hàng ngày là 1.3 mg trong thời gian mẹ chuẩn bị mang thai.
Kẽm
Có nhiều trong: thịt đỏ, thịt gia cầm, các loại hạt, ngũ cốc, các thực phẩm từ sữa, hàu.
Kẽm có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình rụng trứng ở phụ nữ cũng như tăng lượng sản xuất tinh trùng và testosterone ở nam giới. Chính vì vậy, cả bố và mẹ hãy đảm bảo bổ sung ít nhất 15 mg kẽm mỗi ngày để sớm có em bé nhất nhé!
Omega – 3
Có nhiều trong: quả óc chó, cá hồi, cá mòi.
Omega-3 không chỉ có nhiều lợi ích với phụ nữ mang thai mà còn có tác động tích cực tới sự phát triển não bộ của thai nhi. Bên cạnh đó, phụ nữ có thai bổ sung omega – 3 thường xuyên có thể giảm nguy cơ về dị ứng với thực phẩm và bệnh eczema cho con. Các bác sĩ khuyến nghị mẹ bầu nên bổ sung ít nhất khoảng 200 mg omega – 3 mỗi ngày trong suốt thai kỳ của mình.