Các chất dinh dưỡng giúp trẻ thông minh và cao lớn
Có 3 yếu tố chính giúp trẻ tăng cường trí tuệ và chiều cao đó là chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học, môi trường sống tốt và rèn luyện thân thể phù hợp với lứa tuổi. 3 yếu tố này cần được thực hiện đồng bộ từ khi trẻ ra đời, thời kỳ bú mẹ, tuổi nhà trẻ mẫu giáo, tuổi học sinh, tuổi vị thành niên.
Trong 3 yếu tố đó thì dinh dưỡng chiếm vai trò quan trọng nhất, ảnh hưởng tích cực nhất tới sự phát triển chiều cao của trẻ. Ở những giai đoạn trọng điểm của phát triển chiều cao, đó là thời kỳ bào thai, năm đầu tiên của cuộc đời và thời kỳ tiền dậy thì, bữa ăn của trẻ phải có đầy đủ chất đạm, đặc biệt là các chất đạm động vật với đầy đủ các axit amin cần thiết; chất béo giúp cho sự phát triển các xương dài, tăng cường hấp thu các vitamin tan trong dầu giúp hệ xương phát triển tốt; canxi giúp trẻ cao lớn và có hệ xương vững chắc; các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, D, chất kẽm, sắt, iốt... giúp phát triển chiều cao và giảm tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ.
Trước khi có thai và trong suốt quá trình mang thai, người mẹ cần ăn uống đủ dưỡng chất cần thiết như chất đạm, chất béo, chất đường, các vitamin và khoáng chất. Chế dinh dưỡng tốt khi mang thai không chỉ giúp mẹ khỏe hơn mà còn là tác động quyết định đến sự phát triển dài hạn ở tương lai về sức khỏe cũng như trí tuệ của trẻ.
Khi trẻ ra đời, để giúp trẻ phát huy tối ưu tiềm năng trí tuệ, nên cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất là 6 tháng, vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chuẩn, tối ưu cho trẻ. Sữa mẹ còn giúp bé tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật mà không có một loại sữa nào có thể thay thế được.
Khi trẻ đến tuổi ăn dặm, đặc biệt là ở độ tuổi từ 1 - 3 tuổi, chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần đặc biệt lưu ý, bởi đây là lứa tuổi phát triển rất nhanh cả về thể lực và trí tuệ: Não trẻ phát triển mạnh nhất trong 3 năm đầu đời; chiều cao của trẻ lúc 2 tuổi đúng bằng 1/2 lúc trưởng thành. Vì vậy, việc nuôi dưỡng tốt ở tuổi 1-3 sẽ tạo đà cho sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo. Trong độ tuổi này, trẻ cần khoảng 100-110 kcal/kg cân nặng mỗi ngày, được cung cấp qua các bữa ăn như bột, cháo, cơm nát, mỳ... nấu với các loại thức ăn cung cấp chất đạm như: thịt, trứng, cá, tôm, cua, đậu, đỗ, lạc vừng. Dầu mỡ trong bữa ăn cũng là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng.
Ngoài chất đạm, đường, béo, bữa ăn của trẻ phải có đầy đủ các vitamin và khoáng chất như vitamin A (400mcg/ngày - cần cho sự tăng trưởng, bảo vệ da, niêm mạc, tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ mắt), vitamin D (400 UI/ngày - giúp cơ thể hấp thu canxi, phospho để duy trì và phát triển hệ xương, răng vững chắc), vitamin C (30-60mg/ngày - tăng cường hấp thu sắt, chống bệnh thiếu máu, giữ cho thành mạch vững chắc), canxi và phospho (giúp cho việc tạo xương, tạo răng, đảm bảo chức năng thần kinh và sự đông máu bình thường), sắt (rất cần cho sự tạo máu), kẽm (giúp chuyển hóa năng lượng và hình thành tổ chức). Bên cạnh đó, cần bổ sung đầy đủ và cân đối cho trẻ những dưỡng chất cần thiết cho cấu trúc và hoạt động chức năng của não gồm: nhóm phát triển tế bào thần kinh và thị giác (như lutein, omega 3, DHA) và nhóm tăng cường tốc độ dẫn truyền thần kinh và tạo ra các mối liên kết giữa các tế bào thần kinh (như phospho-lipid, sắt, kẽm, AA, DHA).
Vitamin, khoáng chất nói trên có rất nhiều trong sữa, thịt, cá, trứng, gan cá và gan động vật, tôm, cua, các loài nhuyễn thể, dầu ăn, rau có màu xanh thẫm, trái cây... Đặc biệt, trong sữa và các chế phẩm từ sữa, nhất là các sữa công thức, ngoài các vitamin, khoáng chất còn có những dưỡng chất cần thiết cho cấu trúc và hoạt động chức năng của não. Các chất dinh dưỡng trong sữa công thức có tỷ lệ cân đối hợp lý, phù hợp với sự hấp thu và chuyển hóa ở trẻ, ít gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa. Vì thế, sữa là một trong những loại thực phẩm tốt nhất trong chế độ ăn uống hàng ngày, chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển cũng như mọi hoạt động của cơ thể. Đối với trẻ từ 1 - 3 tuổi, ngoài chế độ ăn chính, hàng ngày bé vẫn cần ít nhất 400 - 500ml sữa/ngày để phát triển trí tuệ, thể lực và chiều cao tối ưu.