Các bệnh hậu sản hay gặp sau khi sinh
Một ca sinh nở sẽ tiêu tốn rất nhiều sức lực cũng như lượng máu trong cơ thể người mẹ. Vì vậy nếu không được chăm sóc cẩn thận, mẹ sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh nguy hiểm.
Dưới đây là 6 bệnh hậu sản thường gặp và cách phòng ngừa sau sinh:
Đau lưng
Sau sinh nở, phần lớn thời gian của các mẹ là ở trên giường và phải chăm con nhỏ. Hoạt động ít cộng với việc thường xuyên phải ngồi cúi và những ‘tác dụng phụ’ sau cơn đau đẻ sẽ khiến mẹ bị đau lưng, đau chân dữ dội. Tuy nhiên đây là triệu chứng bình thường và sẽ dần biến mất 1-2 tuần sau sinh.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh và giảm đau nhức, chị em nên bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và nên vận động nhẹ nhàng sớm sau sinh. Việc nằm quá nhiều sẽ càng làm mẹ thêm đau đớn. Nếu chứng đau lưng không thuyên giảm dần, chị em nên tham khảo ý kiến chuyên gia.
Đau bụng
Sau sinh nở, những cơn đau bụng, co thắt tử cung vẫn còn tiếp tục để tử cung dần thu nhỏ và đẩy sản dịch ra ngoài. Tuy nhiên, nếu những cơn đau ngày càng mạnh mẽ hơn, mẹ cần đến bệnh viện thăm khám bởi đó có thể là dấu hiệu mẹ bị viêm nội mạc tử cung hoặc bị sót nhau thai.
Trầm cảm sau sinh
Lần đầu làm mẹ, chắc chắn chị em sẽ cảm thấy vô cùng căng thẳng, mệt mỏi cộng với những cơn đau sau đẻ sẽ khiến mẹ dễ bị trầm cảm. Tình trạng này xảy ra phổ biến sau sinh 2 ngày và sẽ dần biến mất sau 10 ngày khi mẹ đã dần xác định được trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, nếu mẹ vẫn cảm thấy căng thẳng, thậm chí là chán ghét con thì phải tìm đến bác sĩ tâm lý ngay. Để phòng bệnh, chị em nên nhờ sự giúp đỡ của người thân để giảm bớt áp lực cho bản thân.
Hầu hết sản phụ sau sinh đều trải qua những chứng bệnh như đau lưng, trầm cảm hay bệnh trĩ. (ảnh minh họa)
Viêm “núi đôi”
Viêm ngực hay nhiễm trùng ngực thường được biểu hiện bằng các dấu hiệu ban đầu như ngực sưng lên, sờ vào thấy đau, da mẩn đỏ, kèm theo các triệu chứng y như lúc mẹ bị cúm: sốt cao, nóng lạnh đau nhức, đau đầu và có thể bị nôn mửa. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này là do sự ứ sữa, có thể do bé bú chưa đủ no ở mỗi cử bú hoặc do tư thế cho bé bú chưa đúng. Ngoài ra, viêm vú còn có thể là do núm vú bị nứt, vi khuẩn xâm nhập qua vết nứt của núm vú vào hệ thống bạch huyết. Viêm vú thường xảy ra vào vài tuần đầu sau sinh, khi mẹ đang học cách cho bé bú.
Khi có các biểu hiện bị viêm vú, chị em nên khám và điều trị ngay, có thể bác sĩ sẽ cho dùng khánh sinh và bệnh thường khỏi sau 1 – 2 ngày điều trị. Không cần hạn chế cho bé bú bên vú bị viêm vì bệnh này không ảnh hưởng gì đến bé. Và mặc dù có thể sẽ rất đau đớn khi bé “ti” núm vú bị nhiễm bệnh, nhưng cho bé bú là rất cần thiết để cải thiện tình trạng ứ sữa. Các mẹ có thể làm giảm đau đớn bằng cách đặt miếng gạc ấm lên ngực vài phút trước khi cho bé bú.
Đau đầu, nặng đầu
Sau sinh, người thiếu máu, huyết áp cao, người dùng thuốc tê phẫu thuật, người lao động quá nặng nhọc có thể dẫn tới đau đầu hoặc nặng đầu. Nếu ngủ đủ, triệu chứng có thể giảm nhẹ. Nếu thấy đau nghiêm trọng cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Chân tay tê
Sau khi sinh, sản phụ có thể bị phù hoặc thường xuyên mệt mỏi, có lúc còn xuất hiện triệu chứng chân tay tê, tay mỏi rã rời, chân nặng… những triệu chứng này mất dần cùng với sự phục hồi của cơ thể.
Bệnh trĩ
Trong thời kỳ mang thai, nếu sản phụ mắc bệnh trĩ, sau khi sinh thường tình trạng sẽ xấu hơn. Vì lúc đẻ phải dùng sức rặn rất mạnh nên bệnh càng trầm trọng hơn.
Trĩ thường sưng đỏ sau khi đẻ 2 – 3 tuần, rất đau, vì sợ đau nên có buồn đại tiện cũng nhịn, dẫn tới bị táo bón, làm cho trĩ lại càng nặng hơn, hình thành vòng tuần hoàn ác tính. Ngoài điều trị dùng thuốc và thuốc mỡ mềm, sản phụ còn phải chú ý ăn uống, không để bị thành táo bón và không nên rời giường sớm.