Biểu hiện của viêm họng và cách phòng tránh viêm họng
Theo bác sĩ Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, vùng tai mũi họng là vùng thông nhau, liên quan mật thiết nên khi bị viêm họng có thể kèm theo viêm mũi, viêm thanh quản và ngược lại.
Viêm họng nếu do liên cầu khuẩn gây ra thì có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Một số biến chứng gần như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản, phế quản… Những biến chứng xa của viêm họng là bệnh thấp tim, thấp khớp, viêm vi cầu thận…
Do đó, bác sĩ Phúc lưu ý, để tránh các biến chứng nguy hiểm, bệnh viêm họng cần được phát hiện và điều trị dứt điểm, tránh để tái đi tái lại, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi sức đề kháng kém.
Mùa nắng gọi là mùa viêm nhiệt, thích hợp cho sự phát triển của vi trùng nên những trường hợp viêm tai mũi họng thường do vi khuẩn. Mùa mưa lạnh thích hợp cho sự phát triển của siêu vi trùng nên bệnh lý viêm nhiễm thường do virus.
Viêm họng không điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng
Các triệu chứng của bệnh viêm họng
Một số triệu chứng chính viêm họng cấp là sốt nhẹ, đau rát họng, nuốt đau, sờ hai bên cổ có nổi hạch. Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như ho, khạc ra đờm. Bệnh viêm họng do siêu vi thì đờm thường có màu trắng, trong, còn với nguyên nhân là bội nhiễm do vi khuẩn thì khạc đờm xanh. Ở trẻ em thường kèm theo sổ mũi, hắt xì, ho…
Những triệu chứng trên nếu kéo dài và đau họng càng lúc càng tăng thì phải đi khám chuyên khoa để xem có phải viêm họng là do vi khuẩn hay không và có hướng điều trị hợp lý.
Với bệnh viêm họng do siêu vi trùng gây ra thì không cần dùng kháng sinh, chỉ dùng loại thuốc cảm thông thường trong vài ngày sẽ khỏi.
Với bệnh viêm họng do vi khuẩn gây ra cần phải sử dụng kháng sinh. Liều dùng kháng sinh thường một đến hai tuần, tùy theo mức độ nặng nhẹ, không nên ngưng nửa chừng mặc dù các triệu chứng đã bớt để tránh nhờn thuốc. Nguyên tắc sử dụng kháng sinh là đúng liều, đúng bệnh và đúng thời gian.
Khi sử dụng kháng sinh, đối với trẻ em có những loại gây khó chịu cho trẻ như đắng họng, tiêu chảy… Do đó, với những loại nào không thích hợp cho bé thì phải cảnh báo cho bác sĩ biết để đổi thuốc phù hợp.
“Đối với những người sử dụng vùng họng nhiều như giáo viên, báo cáo viên, nhân viên bán hàng thì cứ khoảng một giờ đồng hồ nên nhấp một ngụm nước để tránh khô niêm mạc họng, đặc biệt là trong mùa nắng. Niêm mạc họng bị khô do sử dụng giọng nói nhiều là một trong những nguyên nhân gây ra viêm họng”, bác sĩ Phúc cho biết.
Để đề phòng viêm họng:
- Nên vệ sinh răng miệng hằng ngày, nhất là sau mỗi bữa ăn.
- Chú ý mang khẩu trang, tốt nhất là khẩu trang y tế khi tiếp xúc với môi trường bụi bặm, khói xe, khí thải…
- Giữ vệ sinh môi trường sống, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.
- Khi thời tiết thay đổi cần giữ ấm cơ thể, với trẻ em phải giữ ấm vùng cổ với áo cổ cao, khăn choàng khi trời lạnh.
- Đảm bảo chế độ ăn hợp lý, cân đối, đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Cần tăng cường những loại thực phẩm giàu virtamin C như cam, chanh, kiwi… để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Có thể áp dụng súc miệng bằng nước muối ấm hoặc ngậm những loại thuốc trị viêm họng.
Trong Đông y, đối với những trường hợp viêm họng mãn, tái đi tái lại nhiều lần thì có thể ngậm mật ong để hỗ trợ điều trị.
Theo Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM thì mật ong có tác dụng long đờm, sát khuẩn vùng hầu họng, trong thành phần của mật ong có chất nuôi dưỡng niêm mạc họng. Do đó, ngoài việc áp dụng những bài thuốc đặc trị, có thể sử dụng mật ong bổ trợ. Nên ngậm chừng 1 thìa mật ong trong vòng 2 – 3 phút rồi nuốt luôn. Ngoài ra có thể dùng mật ong pha vào nước chanh đường để uống.