Bệnh viêm ống thận cấp và những dấu hiệu nhận biết
Vì sao bị viêm ống thận cấp?
Ống thận tiếp nối với cầu thận, ống thận có chức năng tái hấp thu và bài tiết một số chất để biến dịch lọc cầu thận thành nước tiểu. Ống thận gồm có: ống lượn gần, quai Henle, ống lượn xa và ống góp. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên viêm ống thận cấp nhưng thông thường có thể chia làm 3 nhóm lớn:
Do thiếu máu: Tất cả những nguyên nhân nào làm cho sự tưới máu thận giảm sút kéo dài đều có thể làm cho thận thiếu máu và gây nên thương tổn dưới dạng hoại tử ống thận. Các nguyên nhân gây thiếu máu bao gồm: sau mổ, sau chấn thương, bỏng, sẩy nạo thai, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc cũng có thể do tác dụng phụ của thuốc (thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng viêm không steroid).
Một ca cấp cứu vì ngộ độc mật cá trắm dẫn đến viêm ống thận cấp.
Do dị ứng: Còn gọi là viêm thận kẽ cấp dị ứng (NIA immuuo-allergique) nguyên nhân do thuốc là thường gặp: methicilline, penicilline, kháng viêm không steroide, thuốc lợi tiểu, cimetidine.
Do ngộ độc: Có thể trực tiếp lên trên tế bào ống thận hoặc gián tiếp lên cơ chế mạch máu và từ đó gây thiếu máu thận. Các nguyên nhân gây độc thường gặp có thể do thuốc kháng sinh, nhất là nhóm aminosides, độc nhất là néomycin, các loại khác ít độc hơn như streptomycine, kanamycine, gentamycine. Các cephalosporine độc với thận nhất là cefaloridine; các hóa chất như tetra cloruacarbon (CCl4), cồn methylic; các thức ăn hàng ngày (mật cá trắm, cá mè, cá chép, mật cóc).
Dấu hiệu nhận biết
Viêm ống thận cấp biểu hiện là một hội chứng suy thận cấp đôi khi kèm theo với bệnh cảnh của một viêm gan cấp (gặp trong trường hợp do ngộ độc). Thông thường viêm ống thận cấp được phát hiện ở người bệnh có triệu chứng thiểu niệu, vô niệu, đôi khi được phát hiện qua một biến chứng nặng như ứ dịch ngoại bào (tăng huyết áp, phù phổi) hoặc những rối loạn nước điện giải khác hoặc bệnh cảnh của hội chứng tăng urê máu.
Bệnh thường biểu hiện ở các giai đoạn khác nhau như: mới nhiễm, thời gian của giai đoạn này tùy thuộc vào nguyên nhân: cấp và đột ngột (sốc, xuất huyết) hoặc chậm và kéo dài (kháng sinh độc với thận). Ở giai đoạn tiếp theo người bệnh có biểu hiện thiểu niệu, vô niệu ban đầu, thường xuất hiện trong 24 – 72 giờ nhiễm bệnh. Khi đó, người bệnh có biểu hiện tăng cân, phù ngoại biên, khó thở gắng sức; tiếp theo là các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, đôi khi là những chấm xuất huyết dưới da. Nếu không được phát hiện bệnh chuyển sang giai đoạn thiểu niệu hoặc vô niệu thật sự, thời gian thay đổi từ 7 – 21 ngày tiếp sang giai đoạn đái nhiều. ở giai đoạn này, bệnh thường xuất hiện khoảng tuần thứ ba của vô niệu, có khi sớm hơn, lượng nước tiểu tăng lên dần. Trong giai đoạn này đôi khi còn cần thiết phải lọc máu, nhưng quan trọng hơn là bù lại lượng dịch, điện giải mất.
Biến chứng nguy hiểm
Bệnh diễn biến qua các giai đoạn như trên. Trong quá trình đó, có thể gây biến chứng như: phù não gây những cơn co giật; phù phổi cấp; trụy tim mạch. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị biến chứng ở ống thận. Thương tổn ở ống thận không giống nhau giữa các đoạn của ống thận. Đối với biến chứng nhẹ với liên bào ống thận bị dẹt hoặc bị dãn, nhất là ở ống lượn xa. Hoặc có thể hoại tử các liên bào ống thận, tế bào ống thận mất nguyên sinh chất và nhân. Đối với trường hợp nặng hơn hoại tử từng đoạn ống thận và có thể đứt từng đoạn ống thận.
Hình ảnh cấu tạo ống thận.
Chẩn đoán xác định dựa vào các biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm urê, créatinin, kali máu tăng dần. Tuy nhiên, để phân biệt suy thận cấp do viêm ống thận cấp là suy thận cấp thực thể với suy thận cấp chức năng do các nguyên nhân khác. Ngoài ra, các xét nghiệm khác cũng được các bác sĩ chỉ định để xác định phân biệt giữa viêm ống thận cấp với các bệnh lý khác như viêm cầu thận cấp, sỏi tắc niệu quản.
Về điều trị, bao gồm điều trị triệu chứng, biến chứng của viêm ống thận cấp (tùy thuộc vào giai đoạn của viêm ống thận cấp để áp dụng cụ thể) và điều trị nguyên nhân. Nếu được điều trị sớm và hợp lý diễn biến của bệnh nói chung là tốt. Phương pháp lọc máu ngoài thận đã giảm tỷ lệ tử vong xuống rất nhiều.
Nếu tiến triển tốt, bệnh nhân khỏi hẳn không để lại di chứng. Tuy nhiên, chức năng thận phục hồi chậm trong vài tháng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi mắc bệnh, ngoài điều trị tuân thủ ý kiến của thầy thuốc thì bệnh nhân cần cố gắng ăn nhiều hơn. Thông thường ăn đồ lỏng như: uống bột dinh dưỡng, bột protein…, tìm những sản phẩm cung cấp calo và protein, natri, kali và phốt pho. Bệnh nhân cần ăn ít đạm và nhiều chất có năng lượng bằng glucid và lipid. Không ăn thức ăn nhiều kali như rau, quả. Hạn chế muối và nước, ngày chỉ dùng 500 – 700ml nước.
BS. Nguyễn Thúy Quỳnh