Bệnh viêm bờ mi là gì?
Đôi mắt là tài sản quý giá của mỗi con người là cũng là “cửa sổ tâm hồn”. Thế nhưng, nhiều người lại chưa biết cách giữ gìn mắt đúng cách, hậu quả là dẫn đến nhiều bệnh về mắt, đặc biệt là viêm bờ mi.
Rất nhiều người chủ quan khi thấy ngứa mắt, cộm mắt, đỏ xung quanh vùng mắt. Đấy có thể là những triệu chứng khởi đầu cho bệnh viêm bờ mi mắt mà nhiều người chưa biết đến.
Nhiều người chưa biết cách giữ gìn mắt đúng cách, hậu quả là dẫn đến nhiều bệnh về mắt, đặc biệt là viêm bờ mi. Ảnh minh họa
Mắc bệnh vì chủ quan
Theo chia sẻ của bạn Ngọc Minh (22 tuổi, ở Nghệ An) thì hồi học cấp 3, khi phát hiện mình có vấn đề với mắt, hay có những vảy màu trắng như gàu bám ở bờ mi, mí mắt sưng, đỏ, rát, nổi hạt li ti rất khó chịu nhưng do đang học và gia đình khó khăn nên bạn cứ để thế. Cho đến đi học đại học tình trạng bệnh kéo dài làm ảnh hưởng đến viêc học tập, Ngọc Minh mới đến bệnh viện Mắt TW khám, các bác sĩ kết luận đó là triệu chứng của viêm bờ mi. Viêm bờ mi là căn bệnh viêm ở phần da mi và phần lông mi mọc. Thường viêm bờ mi xảy ra khi tuyến bã gần chân lông mi hoạt động kém. Khi tuyến bã nhờn giảm chức năng, vi khuẩn phát triển dẫn đến viêm, ngứa và kích thích mi mắt. Viêm bờ mi thường mạn tính và khó điều trị. Mặc dù thực sự khó chịu nhưng không ảnh hưởng nhiều đến thị lực.
Từ đó đến giờ hơn 4 năm trôi qua nhưng căn bệnh này cứ đeo bám Ngọc Minh, một thời gian lại tái phát, làm bạn rất khó chịu và mất tự tin khi giao tiếp, cản trở không nhỏ trong công việc.
Cùng có nỗi khổ giống với bạn Ngọc Minh là bác Bình (Đa Sĩ- huyện Thanh Oai, Hà Nội). Bác đã sống chung với bệnh viêm bờ mi trong suốt mấy chục năm. Ngày trước, do công việc của bác là công nhân môi trường, hàng ngày tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm môi trường, chất bẩn độc hại rất hay gây ngứa ở mắt nên bác thường đưa tay lên rụi. Mới đầu mắt bác có triệu chứng đỏ rát, ngứa nhưng sau đó có biểu hiện sưng đỏ, ngứa quanh mắt, lông mi rụng từng cụm. Thấy biểu hiện của bệnh ngày càng nặng bác đi khám được bác sĩ cho biết bác bệnh viêm bờ mi mắt đến này bệnh này của bác vẫn tái phát đi tái phát lại.
Căn bệnh khó chữa trị triệt để
Theo bác sĩ chuyên khoa mắt Nguyễn Trọng Cầu (BV Mắt Hà Đông) đây là căn bệnh khá phổ biến với người trên 50 tuổi, nhưng hiện nay cũng có rất nhiều trẻ tuổi bị bệnh này. Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm bờ mi do ô nhiễm môi trường đáng báo động, các rối loạn hóc-môn, dùng thuốc và mỹ phẩm bừa bãi… đều là những nguy cơ khả dĩ hình thành nên căn bệnh này.
Viêm bờ mi khó điều trị nhưng vệ sinh tốt có thể kiểm soát được các triệu chứng và phòng bệnh. Ảnh minh họa
Khi bị viêm bờ mi, người bệnh thường thấy chảy nước mắt hoặc đỏ mắt, cảm giác có sạn hoặc rát mắt, ngứa mắt, mi mắt sưng và đỏ, bong da xung quanh mi mắt, có vảy ở lông mi lúc ngủ dậy, nhạy cảm với ánh sáng, nước mắt có bọt, lông mi mọc bất thường, rụng lông mi.
Mi mắt có thể xuất hiện chất nhờn và vảy bám vào lông mi làm cho hai mi mắt dính với nhau cả đêm. Người bệnh có thể phải banh mi mắt vào buổi sáng vì sự bài tiết các chất dính này. Đôi khi họ còn có thể nhận thấy các chất bài tiết trong nước mắt khô vào buổi sáng giống như cát. Viêm bờ mi thường mạn tính có thể ảnh hưởng đến lớp ngoài của mi mắt, vị trí mà lông mi mọc ra hoặc phần trong mi là phần tiếp xúc với nhãn cầu.
Tuy nhiên viêm bờ mi có những biến chứng nếu người bệnh chủ quan không đi khám khi lông mi bị rụng, lông mi mọc bất thường hoặc sẹo mi, hoặc những biến chứng khác như lẹo là một nhiễm khuẩn xuất phát từ vị trí gần chân lông mi. Nó là một bướu ở bờ hoặc trong mi mắt đau. Lẹo thường dễ thấy trên bề mặt mi mắt. Chảy nhiều nước mắt hoặc khô mắt cũng do bài tiết chất dầu bất thường và các hạt bám ở lông mi giống như gàu bám da đầu. Viêm bờ mi có thể làm tái phát đau mắt đỏ. Đôi khi gây ra tổn thương giác mạc: Kích thích liên tục từ bờ mi bị viêm hoặc lông xiêu có thể gây xước, loét giác mạc.
Chính vì thế, viêm bờ mi khó điều trị nhưng vệ sinh tốt có thể kiểm soát được các triệu chứng và phòng bệnh. Vệ sinh mắt rất quan trọng bệnh nhân cần được hướng dẫn để lật mi theo chiều đứng để vệ sinh và massage mi. Ở tư thế trên các lỗ tuyến sụn mi sẽ được bộc lộ, ta sẽ lau chùi mi từ bên này sang bên kia để loại trừ các vảy bám, dùng dung dịch rửa mắt có trên thị trường để lau rửa mắt thường xuyên. Ta có thể dùng tăm bông, miếng gạc hay chính các ngón tay để làm công việc này. Việc lau chùi cần làm hàng ngày cho đến khi thấy không còn khó chịu gì. Cần lưu ý là việc vệ sinh mi có thể gây nguy hiểm cho mắt nếu không tuân thủ quy trình và dùng dụng cụ thích hợp. Đa phần các triệu chứng của viêm mi sẽ giảm trông thấy sau một thời gian vệ sinh mi và massage mi.
Chườm mi là một động tác nữa bổ sung rất tốt cho các liệu pháp tổng thể điều trị viêm mi. Ta có thể dùng khăn, gạc, các túi gel được sản xuất riêng cho việc này cho vào nước ấm hay lò vi sóng nâng nhiệt độ lên. Sau đó chườm vài phút vào mi mắt. Phương pháp này làm bệnh nhân có cảm giác dễ chịu, các lỗ tuyến ở mi được giãn nờ và giải phóng cặn bã, đóng ghóp vào kết quả điều trị viêm mi. Chườm mi nên được làm hàng ngày và lâu dài.
Bên cạnh tất cả những biện pháp trên người bệnh cũng nên cung cấp cho bác sĩ về thói quen dùng thuốc, sinh hoạt, dinh dưỡng…để hai bên cùng lập kế hoạch điều trị. Cho đến thời điểm hiện tại viêm mi vẫn là căn bệnh mạn tính khó điều trị rất điểm nên đòi hỏi người bệnh kiên trì điều trị. Nếu có dấu hiệu bất thường cần đến khám các bệnh viện chuyên khoa.