Bài thuốc từ củ su hào chữa bệnh
Theo Đông y, su hào vị ngọt nhạt, tính mát, vị ngọt hơi đắng có tác dụng hóa đờm, giải đọc, tiêu viêm. Dùng chữa viêm loét hành tá tràng, tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu đục; đại tiện xuất huyết, thũng độc, viêm xoang…
Trong su hào có nhiều thành phần có giá trị dinh dưỡng đối với cơ thể như protein, lipid, carbohydrate, chất xơ, canxi, sắt, phospho, kali, natri, đồng, magne, kẽm, selen; vitamin A, B1, B2, B6, C, D, E, biotin, K, P, caroten; folacin, pantothenic acid, niacin. Trong 100g su hào ăn được có 6,2g Carbohydrat; đường 2,6g; chất xơ thực phẩm 3,6g; chất béo 0,1g; protein 1,7g; nước 91g và các chất như selen, axit folic, vitamin C, kali, magiê, đồng.
Vào thời tiết chuyển mùa, sức đề kháng thường bị giảm, cơ thể có thể nhiễm một số bệnh như cảm cúm, ho, viêm họng. Su hào là một trong những thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao khả năng phòng bệnh. Một bát su hào sống có chứa lượng vitamin C nhiều hơn 1,4 lần so với nhu cầu cơ thể cần mỗi ngày. Đặc biệt, trong su hào có nguyên tố vi lượng Mo (Molypden) chống thiếu máu, ức chế sự hợp thành nitrosamine – chất gây ung thư. Việc sử dụng su hào sẽ có tác dụng nhất định đối với việc phòng chống ung thư.
Củ su hào có nhiều giá trị dinh dưỡng
Theo BS Phó Thuần Hương, củ su hào còn được sử dụng làm thuốc. Một số bài thuốc từ củ su hào:
– Chữa viêm loét dạ dày, hành tá tràng: củ su hào 30g, lá cây thuốc bỏng 30g giã nhỏ rồi thêm nước vắt lấy nước cốt uống. Hoặc thường xuyên ăn su hào chế biến các món ăn khác nhau cũng có tác dụng hỗ trợ trị liệu.
– Chữa tinh hoàn sưng to: Dùng su hào thái lát, giã nhuyễn đắp ngoài.
– Chữa đờm tích: Dùng lá su hào nấu với dầu vừng, ăn và uống cả nước.
– Chữa bụng lạnh đau, tiểu tiện nhỏ giọt, tiểu đục, chữa lở loét ngoài da. Ăn sống có tác dụng giải khát, hóa đờm. Nấu chín chữa đại tiện xuất huyết; đốt tồn tính nghiền mịn trị viêm xoang mũi, thổi vào mũi chữa trúng phong cấm khẩu.
Mặc dù su hào rất có lợi cho sức khỏe nhưng khi ăn su hào cũng cần lưu ý. Các chuyên gia khuyên, khi ăn su hào, chúng ta nên ăn cả lá và củ chứ không nên bỏ lá non. Lá su hào còn có tác dụng trị thực tích, đàm tích, ác sang – mụn nhọt, . Để lựa chọn su hào ngon nên chọn củ có kích thước từ trung bình đến nhỏ và nặng vì non, ngọt hơn. Củ to dễ bị xơ.
Những người rối loạn chức năng tuyến giáp nên hạn chế dùng du hào. Su hào có thể chứa goitrogens, các hợp chất thực vật thường gặp trong các loại rau họ cải bắp như bông cải, súp lơ… có thể gây sưng tuyến giáp.
Su hào chứa nước và chất xơ, ít chất béo hòa tan và không cholesterol nên rất tốt cho những người béo phì hoặc muốn giảm cân. Tuy nhiên, khi ăn nên chế biết món su hào ở dạng luộc hay nộm, hạn chế xào.