Bài thuốc từ cây mít
Tất cả các bộ phận của cây mít đều có giá trị sử dụng. Trái mít vừa nhú bằng ngón tay cái trẻ em đã hái ăn chơi. Đó là mít cám (chấm với muối ớt). Trái mít xanh, khi còn non tạo ra nhiều món ăn ngon và lành như: Mít luộc (luộc từng miếng to, xắt lát mỏng chấm mắm nêm, nước mắm ruốc, ăn kèm rau kinh giới, tía tô); mít trộn thịt, trộn mè; mít nấu hon (cắt kiểu quân cờ, ram vàng, nấu nhừ trong hỗn hợp xì dầu, nghệ (giã nhỏ), đậu phụng, gia vị); mít phích bột (luộc, thái lát, ướp gia vị thật thấm, nhúng bột mỳ, cho dầu ram vàng).
Một số tác dụng của quả mít
Bổ sung năng lượng
Mít được coi như là một trái cây năng lượng do sự hiện diện của các loại đường như fructose và sucrose, những loại đường này giúp bạn bổ sung năng lượng gần như ngay lập tức. Mặc dù, mít là loại trái cây giàu năng lượng nhưng nó lại không chứa chất béo bão hòa, cholesterol. Vì vậy, nó là loại trái cây tuyệt vời để thưởng thức.
Phương thuốc để trị chứng cao huyết áp
Kali chứa trong mít được chứng minh là có tác dụng hạ huyết áp. Vì vậy, ăn mít thường xuyên là cách để làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Giúp xương chắc khỏe
Mít rất giàu magiê, một chất dinh dưỡng quan trọng trong việc hấp thụ canxi và kết hợp với canxi để giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa các rối loạn liên quan đến xương như loãng xương.
Tăng cường hệ miễn dịch
Mít là loại trái cây có nguồn vitamin C tuyệt vời. Vitamin C là loại chất giúp cơ thể chống hiện tượng nhiễm virus và nhiễm khuẩn. Vitamin C giúp tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch bằng cách hỗ trợ chức năng của các tế bào máu trắng. Một chén nước ép từ mít có thể cung cấp cho cơ thể một số lượng lớn chất oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể.
Chống lại bệnh ung thư
Ngoài vitamin C, mít còn rất giàu các chất dinh dưỡng thực vật như ignans, isoflavones và saponins. Đây là những loại chất có đặc tính chống ung thư và chống lão hóa. Những loại chất dinh dưỡng thực vật có khả năng loại bỏ các gốc tự do gây ung thư ra khỏi cơ thể và làm chậm quá trình thoái hóa của tế bào, nguyên nhân dẫn ra các căn bệnh liên quan đến thoái hóa.
Giúp hệ tiêu hóa hoạt động đúng chức năng
Mít cũng chứa các chất có thuộc tính chống loét và rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, mít cũng chứa rất nhiều chất xơ, vì vậy chúng giúp ngăn ngừa táo bón và đi tiêu dễ dàng hơn. Loại chất xơ này cũng có tác dụng loại bỏ các màng nhầy bám ở ruột, từ đó giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột già (đại tràng).
Một số bài thuốc bài thuốc chữa bệnh với mít
Bài 1:
Sản phụ sau khi sinh nếu ít sữa, dùng lá mít tươi (30-40g/ngày) nấu nước uống giúp tiết ra sữa hoặc tăng tiết sữa. Có thể lấy quả mít non gọt vỏ gai, thái lát, đem xào với thịt lợn nạc, nêm thêm gia vị, dùng ăn với cơm. Bài thuốc có tác dụng bổ tỳ, hòa can, tăng và thông sữa, thích hợp cho phụ nữ sau sinh bị ốm yếu, ăn kém, ít sữa. Mỗi liệu trình 3-5 ngày.
Bài 2:
Lấy khoảng 40g lá mít tươi, rửa sạch giã nát, đắp lên mụn nhọt đang sưng, sẽ làm giảm sưng đau.
Bài 3:
Lấy 30g lá mít vàng, rửa sạch, phơi cho thật khô rồi đốt cháy thành than, trộn với mật ong, bôi vào chỗ tưa lưỡi 2 lần trong ngày, sáng, tối trước khi đi ngủ. Bài thuốc trên có tác dụng chữa tưa lưỡi cho trẻ em.
Bài 4:
Mít chín 30 múi, đường trắng 300g, chanh tươi 1 quả. Chọn mít dai vừa chín, múi to thịt dày, loại bỏ hạt, thái miếng vuông. Cho đường vào nồi cùng với 300ml nước, đun sôi, cho mít vào đảo đều. Cho nhỏ lửa lại chỉ để sôi lăn tăn, khi mít chín trong, nước đường hơi sánh lại là được. Để mít nguội, đem ướp lạnh. Lúc ăn, lấy mít vào cốc, vắt chanh vào nước đường còn lại, khuấy đều, tưới lên mít, ăn mát lạnh, dùng sau bữa ăn. Bài thuốc trên có tác dụng giải rượu.
Ngoài ra, vỏ cây mít còn được dùng làm thuốc an thần, trị tăng huyết áp. Dùng lá và vỏ mít mỗi thứ 30g, nấu với 300ml nước còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày. Mỗi liệu trình 5-7 ngày.