Bài thuốc từ cây hàm ếch (trầu nước) chữa bệnh
Hàm ếch là loại cây thảo sống dai, có thân rễ ngầm, mọc rễ ở đốt, phần thân mọc đứng cao 30 – 80cm. Thân phân đốt, có gờ ở xung quanh. Lá mọc so le, phiến lá hình trứng, đầu nhọn, gốc tròn hay hình tim; cuống lá dài 3 – 6cm, gốc cuống có bẹ. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành lông dài 3 – 6cm, thõng xuống. Hoa trần, nhỏ. Khi cây ra hoa, thường có 1 – 3 lá màu trắng ở ngọn kèm theo bông hoa. Quả nang hình cầu; hạt hình trứng, nhọn đều. Mùa ra hoa tháng 4 – 8, quả tháng 8 – 9. Cây mọc dại ở ruộng trũng, nơi ẩm ướt và ven suối ở rừng, thường gặp nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Bộ phận được dùng làm thuốc là toàn cây. Dược liệu thu hái quanh năm, tốt nhất là vào mùa hè thu, dùng tươi hay phơi khô.
Cây hàm ếch.
Một số bài thuốc từ cây hàm ếch thường dùng
Bài 1: Chữa mụn nhọt sưng tấy (chưa vỡ mủ): Lá hàm ếch, rửa sạch giã nhỏ đắp vào tổn thương (sau khi đã rửa sạch, lau khô), sau đó băng lại, đắp ngày 3 lần, mỗi lần 2 giờ. Dùng liền 3 ngày.
Bài 2: Hỗ trợ điều trị sỏi bàng quang: Hàm ếch 20g, dây tơ hồng xanh, bòng bong, kim tiền thảo, cỏ tháp bút, mỗi vị 15g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm, đổ 750ml, sắc còn 500ml, uống thay trà hàng ngày. Mỗi liệu trình 15 ngày.
Bài 3: Hỗ trợ điều trị khí hư bạch đới: Hàm ếch 60g, thịt lợn nạc 70g. Thịt lợn băm nhỏ, ướp xào cho vừa, thêm nước đun thành canh; hàm ếch thái nhỏ cho vào nấu chín ăn cả cái lẫn nước. Cách ngày ăn một lần, dùng liền 10 lần.
Bài 4: Chữa chảy máu cam do nhiệt: Hàm ếch 15g, rễ đỗ quyên 15g, cho tất cả vào ấm, đổ 700ml nước sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày là một liệu trình.
Bài 5: Trị đau nhức xương khớp do thay đổi thời tiết: Hàm ếch 30g, rửa sạch cho vào ấm đổ 500ml đun sôi, uống thay trà hàng ngày. 1 tuần là 1 liệu trình.
Bác sĩ Thúy Anh