Logo Bài Thuốc Quý

Bài thuốc trị bệnh mất tiềng, khản tiếng

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Mất tiếng thuộc phạm vi chứng thất âm của y học cổ truyền. Xin giới thiệu một số bài thuốc đông y trị khàn tiếng, mất tiếng theo từng nguyên nhân.

Mất tiếng thuộc phạm vi chứng thất âm của y học cổ truyền, có liên quan đến công năng hoạt động thất thường của 2 tạng: phế và thận; vì phế chủ khí là cửa của thanh âm, thận khí là gốc của thanh âm. Nguyên nhân gây bệnh do ngoại cảm phong hàn hay đàm nhiệt xâm phạm vào phế làm phế khí không tuyên gây ra bệnh khản tiếng, mất tiếng cấp tính. Xin giới thiệu một số bài thuốc trị theo từng nguyên nhân.

Cát cánh chữa khản tiếng

Cát cánh.

Khản tiếng do ngoại cảm phong hàn

Người bệnh có biểu hiện tiếng nói khàn, nói không ra tiếng, sốt ít, sợ lạnh, khạc ra nhiều đờm, loãng không dính, mạch phù, rêu lưỡi trắng mỏng. Phương pháp chữa là phát tán phong hàn. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: kinh giới 12g, tang diệp 12g, tang bạch bì 12g, địa cốt bì 12g, tử tô 8g, bán hạ chế 8g, trần bì 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: tiền hồ 8g, bán hạ chế 6g, kinh giới 12g, tế tân 6g, sinh khương 6g, phục linh 8g, cam thảo 6g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Để tăng hiệu quả điều trị, người bệnh nên dùng món ăn sau: cao mật mỡ lợn: mỡ lợn (đã rán) 500g, mật 500g nấu chung cho hoà đều, lọc bớt váng bã, để lạnh cho đông, mỗi lần ăn 1 thìa cà phê (5ml), thời lượng tuỳ ý. Dùng cho các trường hợp viêm khan khí phế quản khản giọng mất tiếng.

Kết hợp xoa bóp các huyệt: thiên đột, phong môn, xích trạch, phong trì, hợp cốc. Mỗi huyệt day trong 1 – 2 phút. Ngày làm 1 – 2 lần.

Khàn tiếng do đàm nhiệt

Người bệnh nói không ra tiếng, đờm nhiều đặc vàng dính, họng khô, miệng đắng, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác. Phương pháp chữa là thanh phế hóa đàm. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: nhị trần thang gia giảm: trần bì 8g, bán hạ chế 8g, thạch xương bồ 12g, cát cánh 8g, phục linh 8g, cam thảo 6g, tri mẫu 12g, bối mẫu 8g. Tất cả tán bột, ngày uống 10g, chia 2 lần.

Bài 2: tang bạch bì 12g, lá tre 12g, thanh bì 8g, cát cánh 8g, bối mẫu 10g, trúc nhự 12g, gừng tươi 4g, nam tinh chế 6g. Sắc uống, ngày 1 thang, trong 3 giờ.

Món ăn hỗ trợ điều trị: mật ong 30g, nước nóng 50ml. Hòa đều hai thứ, uống ấm, sau bữa ăn 2 – 3 giờ, ngày 2 – 3 lần, uống trong 5 – 7 ngày. Trị ho khan không có đờm, cuống họng háo, khản tiếng, mất tiếng do mệt mỏi.

Day bấm các huyệt: trung phủ, xích trạch, hợp cốc, túc tam lý, phong long, tam âm giao. Mỗi huyệt day trong 1 – 2 phút, ngày 1 – 2 lần.

Vị trí huyệt:

- Thiên đột: huyệt nằm ở giữa chỗ lõm trên bờ trên xương ức, trước khí quản và thực quản, ở trong góc tạo nên bởi bờ trong của cơ ức – đòn – chũm, bờ trong của 2 cơ ức đòn – móng và bờ trong của cơ ức – giáp trạng.

- Phong môn: dưới mỏm gai đốt sống lưng 2, ra ngang 1,5 thốn.

- Xích trạch: gấp cẳng tay vào cánh tay để xác định nếp nhăn da tương ứng với khớp khuỷu, sờ vùng giữa nếp nhăn này thấy một gân to của cơ hai đầu cánh tay, huyệt nằm ở chỗ lõm cạnh bờ ngoài gân này.

- Phong trì: Ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.

- Hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.

- Trung phủ: Dưới cuối ngoài xương đòn gánh khoảng 1 tấc hoặc giữa xương sườn 1 và 2, cách đường giữa ngực 6 tấc.

- Túc tam lý: huyệt nằm ở dưới mắt đầu gối 3 tấc và cách bờ xương ống chân 1 tấc.

- Phong long: từ mắt cá chân ngoài đo lên 8 thốn hoặc lấy huyệt ở điểm giữa nếp kheo chân và mắt cá chân ngoài.

- Tam âm giao: Ở sát bờ sau – trong xương chày, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau, từ đỉnh cao của mắt cá chân trong đo lên 3 tấc.

Lương y Thảo Nguyên

Theo Suckhoedoisong.vn