Bài thuốc phòng và điều trị táo bón
Táo bón
Táo bón là trạng thái đi tiêu phân khô cứng, buồn đi mà không đi được, phải rặn mạnh, thời gian đi tiêu lâu hoặc nhiều ngày mới đi tiêu, trong điều kiện ăn uống bình thường, người bệnh có thể dễ dàng nhận ra táo bón qua các biểu hiện như ít đi cầu, đau bụng, đau đầu và đặc biệt là khó nhọc khi đi nhà xí. Bệnh táo bón trên lâm sàng thấy rất nhiều, nhất là ở người già và người béo.Táo bón lâu ngày là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh trĩ.
Ở Việt Nam, những năm gần đây, tình trạng táo bón trong giới thanh niên, đặc biệt là những người làm việc nơi công sở đang ngày càng tăng mạnh, số người bị táo bón ngày càng lớn. Nguyên nhân chủ yếu do áp lực công việc nặng nề, tâm lý căng thẳng quá mức, cộng thêm ít vận động, thể dục thể thao và phải ngồi lâu trong văn phòng.
Táo bón là chứng bệnh hay gặp ở người cao tuổi do ngại vận động và hay ăn đồ khô, thức ăn cay nóng…; người ăn ít rau xanh, thiếu chất xơ; trẻ nhỏ ăn sữa bò, phụ nữ sau sinh huyết thiếu; ngoài ra còn gặp ở người có thói quen nhịn đại tiện, do nghề nghiệp, do đi du lịch đường xa…; lạm dụng thuốc xổ, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng viêm…; người có bệnh lý đại tràng, trĩ…
Sách Hải Thượng Lãn Ông viết: “Chứng đại tiện táo kết có khi vì nóng, vì lạnh, vì khí vì huyết vì phong… nhưng đều là âm huyết khô ráo… Có huyết thì nhuận, thiếu huyết thì táo. Do vậy, phòng trị táo bón ngoài chữa nguyên nhân cần phải dưỡng huyết sinh tân dịch.
Nguyên nhân gây táo bón
Nguyên nhân có thể là triệu chứng khởi đầu của một bệnh lý thực thể nào đó tại đường tiêu hoá như bệnh của đại trường các bệnh toàn thân suy giáp trạng, tăng canxi máu, co thắt, nhu động giảm, phình đại trường... Bệnh ngoài đường ruột như ung thư gây chèn ép... hoặc bệnh toàn thân như chức năng tuyến giáp giảm, nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể, một số bệnh lý thần kinh như bệnh Parkinson, thần kinh tâm thần bị ức chế như lo nghĩ, tức giận, buồn phiền… tập quán sinh hoạt thiếu điều độ... Hoặc có thể do rối loạn chức năng vận chuyển của ruột.
Do thói quen ăn uống không khoa học, chế độ ăn nhiều đạm, ít chất xơ, ít vận động (thường xảy ra với người làm công tác văn phòng), ăn uống không hợp lý (thiếu chất xơ, uống ít nước làm cho phân cứng, khó thải ra ngoài), ít vận động, stress, do uống thuốc tây (một số thuốc có tác dụng phụ gây táo bón: thuốc ngủ, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, chống dị ứng, thuốc chữa dạ dày,…)
Lười đi cầu, nén hoặc nhịn việc đi cầu, do thói quen đi đại tiện không đều, bị mất ngủ, căng thẳng thần kinh, do gặp phải những vấn đề ở ruột, hoặc hút thuốc lá, uống quá nhiều trà và cà phê.
Đông y cho rằng bí đi ngoài phần nhiều do đại tràng tích nhiệt, hoặc khí trệ, hoặc lạnh ngưng lại, hoặc âm dương khí huyết suy hư, khiến cho chức năng truyền dẫn của ruột già mất điều khiển. Ngoài ra, bế tắc của phế khí cũng có thể ảnh hưởng chức năng bài phân của đại tràng, cho nên Đông y lại có phương pháp thông qua tuyên thông phế khí để chữa trị bí đi ngoài.
Đối với trẻ em, chứng táo bón ở trẻ trong độ tuổi đi học thường do chế độ ăn không đủ nước và chất xơ. Những trẻ ăn chế độ ăn đặc biệt với thức ăn nhanh – giàu chất béo (thịt rán, sữa trứng khuấy sẵn) và đường (kẹo, nước ngọt nhiều đường) có thể bị táo bón thường xuyên hơn. Ngoài ra, nứt hậu môn là một nguyên nhân phổ biến khác.
Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể
Nếu do “nhiệt táo”: thường gặp người vốn nóng nhiệt, hay ăn nhiều đồ cay nóng khiến ruột khô nóng mà táo bón… Biểu hiện đi cầu phân khô cứng, tiểu vàng, người nóng, dùng bài Ma tử nhân hoàn gia vị: ma tử nhân (vừng đen) 12g, hạnh nhân 8g, hậu phác 8g, đại hoàng 6g, chỉ thực 6g, bạch thược 10g. Sắc uống.
Nếu do “huyết hư táo”: thường gặp người gầy, đại tiện phân khô cứng, huyết thiếu, hay bị hoa mắt chóng mặt. Phép trị là dưỡng huyết, nhuận táo… Dùng bài Tứ vật thang gia vị: thục địa 16g, đương quy 10g, xuyên khung 10g, bạch thược 10g, bá tử nhân 12g, vừng đen 12g. Sắc uống.
Nếu do “khí hư táo”: thường gặp ở người thể chất yếu, ăn kém, da nhợt nhạt, đại tiện phân không cứng nhưng phải rặn nhiều, cầu xong người mệt vã mồ hôi… Nguyên nhân do tỳ khí hư, công năng vận hoá kém, không sinh hoá tân dịch mà bón kết. Phép trị: ích khí nhuận tràng. Dùng bài Bổ trung ích khí thang gia vị: đảng sâm 12g, hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, thăng ma 10g, sài hồ 10g, trần bì 6g, cam thảo 6g, gia thêm vừng đen, mật ong. Sắc uống.
Hạnh nhân là vị thuốc trong bài “Ma tử nhân hoàn” trị táo bón do nóng nhiệt, hay ăn nhiều đồ cay nóng.
Chế độ ăn uống phòng ngừa táo bón
- Nên ăn nhiều các thức ăn chứa nhiều chất xơ (xenlulose), như các loại rau và hoa quả tươi, các loại măng... Chất xơ không hòa tan (có trong rau cải, trái cây…) làm phân xốp, giảm rủi ro phát triển bệnh táo bón. Bổ sung nhiều rau, củ quả để tăng cường chất xơ do chất xơ trong thực phẩm làm khối lượng phân tăng lên đáng kể sẽ kích thích vận động đường ruột, lại có thể bảo lưu thủy phần, tránh phân quá khô.
- Mứt nho giúp trị táo bón
- Nên ăn nho khô là loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ nên là món ăn công hiệu cho người bị táo bón.[9] Nho khô có thể chữa táo bón cho trẻ em bằng phương pháp ép lấy nước cốt và cho trẻ uống tốt nhất vào buổi sáng để đi tiêu dễ dàng.
- Nên uống đủ nước uống 2 lít/ngày, giúp cho làm mềm phân.
- Ăn một số loại thức ăn có tác dụng nhuận tràng như mật ong, vừng, hạch đào, bơ, sữa trâu, sữa bò...
- Khi đun nấu món ăn, có thể cho tăng một chút dầu ăn, như dầu đậu, dầu hạt cải, dầu vừng, dầu lạc...
- Ăn một số thức ăn chứa vitamin nhóm B một cách thích hợp, như các loại đậu, lương thực thô, khoai lang, khoai tây, đu đủ..., để thúc đẩy nhu động ruột. Một số loại hoa quả khác như củ cải, cải thảo, bầu và giá đỗ cũng giúp trị táo bón. Ngoài ra quả mơ cũng giúp trị táo bón.
- Kiêng các thức ăn loại kích thích như rượu mạnh, trà đặc, cà phê, hẹ, tỏi, ớt, ít ăn các thức ăn tanh mặn vị đậm.
- Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ. Điều này giúp cho cơ thể sẽ dễ dàng bài tiết ra những chất cặn bã để tiết ra bên ngoài vào sáng hôm sau. Trong trường hợp bị táo bón nặng, hãy hoà thêm 2 thìa cà phê thầu dầu vào trong cốc sữa.
- Uống 1 lít nứơc ấm và đi bộ khoảng vài phút ngay lập tức sau khi thức dậy vào buổi sáng. Mỗi ngày vào buổi sáng sớm khi tỉnh dậy, uống một cốc nước ấm lúc bụng đói.
- Uống nước chanh pha lẫn với nước ấm từ 2 - 3 lần/ngày. Ngoài ra nên ăn những loại thực phẩm dễ tiêu hoá.
- Ăn chuối tiêu một quả mỗi ngày ăn một lần.
- Chỉ ăn khi đói, không nên ăn thành nhiều bữa và mỗi bữa ăn nên cách nhau 4 tiếng. Không nên ăn quá nhiều loại thức ăn trong một bữa ăn.
- Nên hạn chế và tránh ăn những đồ ăn khô như đậu tương, lạc...
Chế độ làm việc, sinh hoạt tránh bị táo bón
- Luyện tập đều đặn. Việc luyện tập chính là phương thuốc hữu hiệu giúp phòng ngừa và điều trị bệnh táo bón.
- Ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ cũng chính là một trong số những thủ phạm gây nên căn bệnh táo bón. Chính vì thế nếu không muốn bị chứng táo bón hoành hành mỗi ngày cần ngủ đủ giấc trong vòng khoảng 8 tiếng/ngày.
- Cần chú ý đi đại tiện kịp thời, không nên nhịn lâu để đề phòng táo bón.
Kinh nghiệm dân gian phòng trị táo bón
Nếu do “nhiệt táo”, nên ăn mát nhuận tràng. Dùng bài lá dâu, mè đen mỗi vị 20 - 30g sắc uống hoặc món chè lá nha đam với đậu xanh.
Nếu do “hàn táo”, dùng vị có tác dụng ôn bổ nhuận tràng, tốt nhất nên ăn cháo gạo lứt muối mè hoặc uống 1 thìa mật ong pha với nước ấm vào buổi sáng… Ngoài ra, có thể xoa bụng, tập thóp bụng.
Một số món ăn phòng trị táo bón
Nên duy trì chế độ ăn nhiều rau trái cây tươi và uống đủ nước. Hằng ngày có thể chọn món ăn như sau:
Nếu do “nhiệt táo”, nên ăn vị bổ, mát nhuận trường, giàu chất xơ, lợi gan mật như mồng tơi, rau đay, mướp hương, rau lang, dấp cá, cà chua, cà tím, lô hội…; uống nước atisô, râu mèo, nhân trần, tăng cường ăn rau củ quả tươi, những vị chua, đắng có tính mát, thanh nhiệt.
Nếu do “hàn táo”, nên dùng thức ăn ôn bổ tỳ vị, dưỡng huyết, giàu chất xơ như: cháo gạo lứt, mè đen, các loại ngũ cốc, đậu, mè còn nguyên vỏ lụa… Ăn rau củ quả, những loại thường có vị ngọt, cay đều có tính ấm, hoặc rau củ quả nên chế biến xào, luộc cho thêm gừng và gia vị cay ấm khử bớt tính lạnh.