Bài thuốc đông y trị bệnh gout
Bệnh gout
Các triệu chứng bệnh thống phong hầu hết là cấp tính, xảy ra một cách đột ngột, thường vào ban đêm, không có triệu chứng báo trước như đau khớp dữ dội. Thống phong thường ảnh hưởng những khớp lớn trên ngón chân cái, nhưng cũng có thể ở khớp bàn chân, mắt cá chân, gối, bàn tay, cổ tay,... Cơn đau điển hình có thể kéo dài 5-10 ngày rồi ngưng. Khó chịu sẽ giảm dần dần sau 1-2 tuần.
Nguyên nhân do chính khí suy yếu, tấu lý sơ hở, tà khí thừa cơ xâm nhập cơ thể, lưu lại ở kinh lạc, gân cơ, xương khớp làm cho khí huyết không vận hành được mà sinh ra bệnh.
Theo y học hiện đại, các yếu tố có nguy cơ gây bệnh bao gồm béo phì, tiền sử gia đình, bệnh thận, huyết áp cao, hội chứng chuyển hóa, nghiện rượu và do dùng một số thuốc (aspirin, thuốc lợi tiểu).
Đa phần bệnh nhân khi điều trị dứt được cơn đau đều tự cho là đã khỏi bệnh mà không biết rằng bệnh vẫn đang âm thầm tiến triển bên trong. Nếu không được điều trị tiếp tục và triệt để, các cơn đau sẽ xuất hiện trở lại ngày càng nhiều và nặng hơn. Ở giai đoạn muộn bệnh có thể xuất hiện những u, cục xung quanh khớp có nguy cơ gây biến dạng khớp và có thể dẫn đến tàn phế.
Thổ phục linh giúp điều trị bệnh gout.
Các bài thuốc đông y điều trị bệnh gout
Đối với bệnh gút thể cấp tính chủ yếu dùng phép thông kinh lạc, thanh nhiệt, khu phong, trừ thấp, hành khí, hoạt huyết.
Biểu hiện: Sưng đau các khớp, cơ, xương. Đau cố định dữ dội, ít hoặc không di chuyển, chân tay lạnh, rêu lưỡi trắng. Mạch phù, trì hoặc nhu hoãn.
Bài 1
Độc hoạt 12g, đương quy 12g, ngưu tất 8g, tang ký sinh 8g, thục địa 12g, nhân sâm 8g, tần giao 8g, thược dược 12g, phục linh 12g, phòng phong 8g, xuyên khung 6g, cam thảo 4g, tế tân 4g, đỗ trọng 8g, quế tâm 6g.
Các vị trên sắc với 1.700ml nước lọc bỏ bã, lấy 300ml. Uống ấm chia đều 5 lần. Ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.
Bài 2
Thổ phục linh 16g, ké đầu ngựa 16g, cỏ hy thiêm 16g, rễ cây vòi voi 16g, uy linh 12g, tỳ giải 12g, ý dĩ 12g, cam thảo đất cả cây khô 12g, quế chi 8g, bạch chỉ 8g.
Rễ vòi voi sao vàng. Các vị trên sắc với 600ml nước còn 150ml, chia làm 2 lần, uống trước 2 bữa ăn chính đến khi bệnh khỏi.
Bài 3
Phòng phong 12g, khương hoạt 12g, bạch thược 12g, đương quy 12g, tần giao 8g, quế chi 8g, phục linh 8g, ma hoàng 8g, cam thảo 6g.
Ngày một thang. Sắc với 600ml nước còn 15ml, chia đôi, uống trước khi ăn.
Bài 4
Thạch cao 40g (sắc trước), tri mẫu 12g, quế chi 6g, bạch thược 12g, xích thược 12g, dây kim ngân 16g, phòng kỷ 10g, mộc thông 12g, hải đồng bì 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 5
Nhẫn đông đằng 30g; hoàng bá 15g; ý dĩ 30g; thổ phục linh 30g; mao đông thanh 30g; huyền sâm 15g đương quy 12g; một dược 10g; ngưu tất 15g; phòng kỷ 15g; tần giao 15g; thất diệp liên 30g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Ngoài việc dùng thuốc sắc (thuốc uống trong), bạn có thể dùng một trong số bài thuốc từ thảo dược nghiền thành bột mịn làm thuốc bôi ngoài da để hỗ trợ điều trị.
Bài 6
Lá phù du, sinh đại hoàng, xích tiểu đậu cùng nghiền thành bột mịn theo tỷ lệ 4:6; trộn đều thành cao, bôi ngoài mỗi ngày một lần.
Bài 7
Trắc bách diệp 30g, đại hoàng 30g, hoàng bá 15g, bạc hà 15g, trạch lan 15g cùng nghiền thành bột, cho thêm mật ong và chút nước quấy thành hồ, bôi bên ngoài.
Bài 8
Thảo ô, ổi khương mỗi loại 90g; xích thược, bạch chỉ, thiên nam tinh mỗi loại 30g; nhục quế 15g, nghiền thành bột, trộn thành cao, bôi bên ngoài chỗ đau.
Bài 9
Quế xuyên ô, chế thảo ô, mộc qua, hồng hoa mỗi loại 30g, cho thêm 2.500ml nước đun thành 2.000ml cao, rửa bên ngoài.
Bài 10
Liễu thụ hoa 30g, kim tiền thảo 30g, bồ công anh 30g, thổ phục linh 30g, tử hoa địa đinh 30g, sinh đại hoàng 30g, cho lượng nước vừa đủ, đun trong 30 phút, sau đó rửa chỗ đau.
Cách phòng ngừa bệnh gout
Nghiên cứu cho thấy, cân nặng phù hợp có thể làm giảm nồng độ acid uric và giảm xuất hiện các cơn gút cấp. Nếu bạn nghiện rượu, bạn nên giảm hoặc ngưng hoàn toàn. Uống nhiều bia hoặc rượu mạnh làm tăng cơ hội mắc bệnh gút. Cụ thể, việc uống rượu nhiều sẽ làm sản sinh acid lactic. Acid lactic sẽ tranh chấp đào thải với acid uric, làm cho lượng acid uric không thể thoát ra ngoài hoặc thoát với khối lượng không đủ.
Uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất 2-3 lít nước vì nó giúp hòa tan acid uric trong cơ thể và loại bỏ theo đường tiết niệu ra ngoài.
Ăn thực phẩm có nhiều purin (như cá cơm, cá mòi, ngỗng,...) cũng có thể gây tăng acid uric. Những người ăn nhiều hải sản và thịt (đặc biệt là thịt nội tạng như gan, thận, não, tim) cũng có nguy cơ mắc bệnh gút.
Bên cạnh đó, nên tránh những thay đổi đột ngột của cơ thể như đang nóng mà tắm nước lạnh, sốc cơ thể... có thể sẽ là tác nhân để sự chuyển hóa từ acid uric thành muối urat diễn ra.
Như vậy, bên cạnh việc dùng thuốc, duy trì cân nặng, hoạt động thể chất ngừa thừa cân béo phì, ăn uống đúng cách, lối sống lành mạnh là điều rất quan trọng trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gút.