Bài thuốc chữa bệnh từ lá trầu không
Cây trầu còn có tên trầu không, trầu cay,... Tục ăn trầu cau là nghi thức không thể thiếu trong các dịp xã giao hay lễ hội của người Việt ngày xưa, mang ý nghĩa văn hóa sâu đậm. Trong dân gian, trầu cũng là vị thuốc trị nhiều bệnh.
Trầu có vị cay nồng, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị. Có tính năng hạ khí, chỉ khái, tiêu viêm, sát khuẩn, trừ phong thấp, kích thích tiêu hóa và thần kinh, phòng bệnh lam sơn trướng khí. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh từ trầu theo kinh nghiệm dân gian.
1. Giảm suy nhược thần kinh
Trộn nước cốt lá trầu với mật ong để dùng sẽ giúp bạn giảm những mệt mỏi, đau thần kinh. Bởi trong 100g lá trầu có đến 44 đơn vị calo, vitamin C, canxi.
2. Chữa đau đầu
Giã dập lá trầu, xoa vào thái dương hoặc đỉnh đầu sẽ giảm bớt cơn đau đầu. Vì lá trầu có tác dụng làm mát, giảm đau.
3. Cơn ho phổi
Lá trầu không tẩm mù tạt, hơ lửa đặt lên ngực day nhẹ sẽ giảm ho và dễ thở.
4. Làm lành vết thương
Lá trầu chứa phenol mang tên chavicol có tác dụng sát trùng. Lấy nước cốt trầu không rửa vết thương sẽ giúp sát trùng và nhanh khô miệng vết loét.
5. Giảm đau lưng
Lấy nước cốt trầu không trọn với dầu dừa đắp lên thắt lưng sẽ giảm các cơn đau. Hơ nóng lá trầu và đặt lên lưng cũng có tác dụng tương tự.
6. Khi bỏng nước sôi
Hơ nóng lá trầu cho mềm, xoa thêm lớp dầu thầu dầu. Sau đó đặt nhẹ lên vết bỏng. Sau vài giờ thay lá một lần, sẽ giúp tiêu dịch bỏng, không gây mủ.
7. Chống lạnh
Nhất là khi ra đồng làm việc về mùa đông nông dân thường nhai trầu.
8. Chữa cảm lạnh
Dùng lá trầu giã nhuyễn cho vào khăn mặt hoặc khăn tay, nhúng vào nước ấm đánh gió dọc hai bên cột sống. Dùng cách này an toàn hơn cạo gió.
9. Chữa đau bụng do lạnh gây nôn mửa, ợ chua, tiêu chảy, ăn không tiêu
Dùng 2-4 lá trầu nhai nuốt nước. Đồng thời lấy 3-4 lá trầu hơ nóng cho héo mềm đắp lên rốn, băng giữ lại.
10. Viêm răng lợi, có mủ, chảy máu
Lá trầu sắc đặc cô thành cao, lấy bông tẩm đắp vào chỗ tổn thương, liên tục hàng ngày.
11. Chữa ho suyễn
Lá trầu không 4 - 8g ép lấy nước uống.
12. Chữa ho rát họng
Trộn 1/4 thìa nước ép cây húng quế với nước cây bạc hà, gừng tươi, lá trầu không với mật ong, ngậm.
13. Chữa nấc
Nhất là ở trường hợp trẻ nhỏ. Lấy mẩu lá trầu không đầu nhọn, nhấm cho mềm dán vào trán trẻ, đầu nhọn xuống dưới.
14. Đau mắt (đau mắt đỏ, viêm kết mạc)
Hãm lá trầu vào nước sôi để xông mắt.
15. Chấn thương sưng đau nhức
Lá trầu giã nhuyễn với ít giấm cho dẻo đắp lên chỗ sưng.
16. Chữa các bệnh ngoài da
Hắc lào, chàm, lở loét, mẩn ngứa, côn trùng đốt, trẻ bị hăm, rôm sảy. Lấy lá trầu giã nhuyễn hoà nước đun sôi để nguội rửa, đắp chỗ tổn thương.
17. Vết thương nhiễm khuẩn
Rửa bằng nước nấu lá trầu với ít phèn chua (4g phèn chua cho 1 lít nước).
18. Chữa lở loét ngoài da
Dùng lá trầu non hãm nước sôi 15 phút sẽ cho hiệu quả tốt hơn nước sắc lá trầu.
19. Phong thấp đau nhức chân tay
Gốc rễ trầu 12g, rễ lá lốt 12g, lá và rễ cây xấu hổ (mắc cỡ) 12g sắc uống liên tục một tuần. Chú ý không để lẫn hạt cây xấu hổ rất độc.
Lưu ý: Lá trầu đắp lên đầu vú làm cạn sữa, rễ trầu dùng cùng hạt tiêu đen P.nigrum gây nguy cơ vô sinh nữ, một số người ăn lá trầu cùng hạt có nguy cơ gây ung thư miệng họng...
BS. Phó Thuần Hương