Bài thuốc chữa bệnh từ củ khúc khắc
Cây mọc hoang khắp các vùng đồi núi, trung du ở nước ta như: Hà Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Ðồng, Bình Thuận,… Bộ phận làm thuốc là rễ củ, thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa hè, đào rễ củ về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch thái lát mỏng phơi hay sấy khô để dùng dần.
Theo y học cổ truyền, củ khúc khắc có vị ngọt, nhạt, tính bình, có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt, thanh nhiệt, chữa tê thấp, đau mỏi, viêm da, tiêu hóa kém,…
Cây khúc khắc.
Một số đơn thuốc thường dùng:
Chữa phong thấp, gân xương đau nhức, tê buốt: Củ khúc khắc 20g, dây đau xương 20g, thiên niên kiện, đương quy, mỗi vị 8g, bạch chỉ 6g, cốt toái bổ 10g. Sắc uống ngày một thang. 10 ngày là một liệu trình.
Hỗ trợ điều trị viêm bàng quang: Củ khúc khắc 30g, mã đề 20g, râu ngô. Sắc uống ngày một thang. Dùng 5 – 10 ngày.
Hỗ trợ trị bệnh vẩy nến: Thổ phục linh 40 – 80g, hạ khô thảo nam (cây cải trời) 80 – 120g, đổ 500ml nước sắc còn 300ml chia 3 – 4 lần uống trong ngày
Hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa: Củ khúc khắc 30g; dây đau xương, cỏ xước, tang ký sinh mỗi thứ 20g; cốt toái bổ 10g, sắc uống ngày một thang. 10 ngày là một liệu trình.
Hỗ trợ điều trị mụn nhọt (chưa vỡ): Khúc khắc 30g, bồ công anh, kim ngân hoa, mỗi vị 20g, cam thảo nam 10g, vỏ núc nác 15g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày.
Viêm da, mẩn ngứa: Củ khúc khắc 30g, dây kim ngân 20g, ké đầu ngựa 15g, sắc uống ngày 1 thang. Dùng 3 – 5 ngày.
Chữa nước ăn chân: Củ khúc khắc 20g, lá lốt 20g, rễ cỏ xước 16g, sắc lấy nước ngâm rửa vùng da bị nước ăn chân hàng ngày.
Trị rôm sảy: Củ khúc khắc 30g, sắc lấy nước rửa vệ sinh vùng da bị rôm sảy ngày 3 – 5 lần, dùng khi nước còn ấm kết hợp dùng nước sắc củ khúc khắc pha nước tắm hàng ngày đến khi khỏi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nga