Bài thuốc chữa bệnh từ cây hoa ngũ sắc
Cây Hoa ngũ sắc là loại cây bụi (mọc hoang hay trồng làm cảnh) cao từ 1 – 2 m, thân cành hình vuông có lông nhám và gai ngắn quắp về phía dưới, lá có khía răng, mặt trên xù xì, mặt dưới có lông tơ trắng. Hoa cây Ngũ sắc nhiều màu: đỏ, trắng, hồng, vàng. Quả bạch hình cầu, nằm trong lá dài, khi chín màu đen có vị ngọt; nhân gồm 1 – 2 hạt cứng. Bộ phận dùng: Lá, hoa và rễ thu hái vào mùa khô, phơi hay sấy khô. Cũng có khi dùng tươi.
Hoa ngũ sắc
Theo Đông y, lá cây hoa Ngũ sắc có vị đắng, hôi, tính mát, hơi có độc, có tác dụng hạ sốt, tiêu độc, tiêu sưng, cầm máu; cũng dùng trị ghẻ lở, viêm da, các vết chàm và dùng chườm nóng trị thấp khớp.
Thường dùng tươi giã đắp ngoài hay nấu nước để rửa. Hoa có vị ngọt, tính mát, có tác dụng cầm máu, trị ho với liều 12g, dạng thuốc sắc hay hâm nóng hoặc chế xi rô. Rễ có vị dịu, tính mát, có tác dụng hạ sốt, tiêu độc, giảm đau, trị sốt lâu không dứt, quai bị, phong thấp đau xương, chấn thương bầm giáp. Hoa dùng trị lao với ho ra máu và hạ huyết áp. Liều dùng 30-60g, dạng thuốc sắc. Sau đây là một số tác dụng của cây Hoa ngũ sắc:
- Chữa ho ra máu và lao phổi: Dùng hoa khô 6-10g nấu nước uống.
- Chữa chấn thương bầm giập, vết thương chảy máu: Giã lá tươi đắp ngoài. Hoặc dùng 30g lá khô, với 10g gừng khô tán bột rắc lên vết thương ngày một lần.
- Chữa viêm da, eczema, tinea, mụn nhọt: Nấu lá tươi để rửa ngoài.
Ghi chú: Không nhầm với cây hoa cứt lợn (Ageratum conyzoides L.) cũng gọi là hoa Ngũ sắc.