Logo Bài Thuốc Quý

Bài thuốc chữa bệnh từ cây dừa cạn

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Dừa cạn là cây thuốc nam quý. Cây nhỏ cao 0,4-0,8m, có bộ rễ rất phát triển, thân gỗ ở phía gốc, mềm ở phần trên. Mọc thành bụi dày, có cành đứng. Lá mọc đối, thuôn dài, đầu lá hơi nhọn, phía cuống hẹp nhọn, dài 3-8cm, rộng 1-2,5cm. Dưới đây là các tác dụng, bài thuốc từ cây dừa cạn, bạn nên biết.

Cây dừa cạn

Tên thường dùng: Dừa cạn còn gọi là trường xuân, hoa hải đằng, bông dừa, dương giác, pervenche de Madagascar.

Tên khoa học Catharanthus roseus (L.) G. Don; Vinca rosea L; Lochnera rosea Reich.

Họ khoa học: Thuộc họ Trúc đào Apocynaceae.

Dừa cạn là cây thuốc nam quý. Cây nhỏ cao 0,4-0,8m, có bộ rễ rất phát triển, thân gỗ ở phía gốc, mềm ở phần trên. Mọc thành bụi dày, có cành đứng. Lá mọc đối, thuôn dài, đầu lá hơi nhọn, phía cuống hẹp nhọn, dài 3-8cm, rộng 1-2,5cm. Hoa trắng hoặc hồng, mùi thơm, mọc riêng lẻ ở các kẽ lá phía trên, quả gồm 2 đại, dài 2-4cm, rộng 2-3mm, mọc thẳng đứng, hơi ngả sang hai bên, trên vỏ có vạch dọc, đầu quả hơi tù, trong quả chứa 12-20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng, trên mặt hạt có các hột nổi thành đường chạy dọc. Mùa hoa quả gần như quanh năm.

Cây dừa cạn, thuốc từ dừa cạn
Cây dừa cạn.

Phân bố

Mọc hoang dại và được trồng ở nhiều nước nhiệt đới như Việt Nam, Ấn Ðộ, Indonesia, Philippine, châu Phi, châu Úc, Braxin... Tại châu Âu và châu Mỹ ở những vùng nóng cũng trồng quanh năm, nhưng ở những vùng lạnh cây được trồng theo mùa vì không chịu được lạnh.

Dừa cạn được xem là đặc sản của vùng đất Madagascar với giá trị dược tính cao nhất thế giới. Hiện nay hàng năm người dân Madagascar xuất khẩu đến ngàn tấn dừa cạn phơi khô ra nước ngoài để làm dược liệu. Ở Việt Nam gặp nhiều nhất tại các tỉnh gần biển, nhưng khắp nơi đều trồng được, trước đây chỉ được trồng làm cảnh, gần đây đã được trồng để thu hoạch lấy cây, lá và rễ chế thuốc. Tại Việt Nam, cây được trồng làm cảnh, hoặc làm thuốc trị cao huyết áp, tiểu đường, sốt rét, bệnh máu trắng, thông tiểu.

Công ty Dược liệu Trung ương Việt Nam II cũng đã xuất khẩu cây này từ thập niên 1990.

Thị trường dược phẩm Mỹ, Pháp, Nhật, Việt Nam… có nhiều loại thuốc được bào chế từ dừa cạn như thuốc trị cao huyết áp, ung thư (máu, tinh hoàn, dạ con)…

Hoạt chất trong dừa cạn phụ thuộc vào nơi trồng và thu hái. Giống trồng ở Việt Nam được đánh giá là thảo được tốt tương đương dừa cạn ở Madagascar, chứa khoảng 0,1-0,2% alkaloid toàn phần. Tỷ lệ alkaloid trong rễ (0,7-2,4%) cao hơn trong thân (0,46%) và lá (0,37-1,15%). Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… cũng đang ra sức bào chế thuốc từ loại cây này

Thành phần hóa học

Hoạt chất của Dừa cạn là alkaloid có nhân indol trong tất cả các bộ phận của cây, nhiều nhất trong lá và rễ. Dừa cạn Việt Nam có tỷ lệ alkaloid toàn phần là 0,1-0,2%. Rễ chứa hoạt chất (0,7-2,4%) nhiều hơn trong thân (0,46%) và lá (0,37-1,15%). Các chất chủ yếu là: vinblastin, vincristin tetrahydroalstonin, prinin, vindolin, catharanthin, vindolinin, ajmalicin, vincosid (1 glucoalkaloid tiền thân để sinh tổng hợp các alkaloid). Từ Dừa cạn, người ta còn chiết được các chất sau: acid pyrocatechic, sắc tố flavonoid (glucozid của quercetol và campferol) và anthocyanic từ thân và lá dừa cạn hoa đỏ. Ngoài ra từ lá chiết được acid ursoloc, từ rễ chiết được cholin.

Tác dụng dược lý của dừa cạn

Từ năm 1952 y học đã phát hiện ra dược tính của dừa cạn. Xuất phát từ việc bác sĩ Clark Noble ở Canada đã nhận được một gói chuyển phát nhanh loại cây này do một người dân gửi tới với lời giới thiệu “dân địa phương đã dùng chúng trị bệnh tiểu đường” nên ông đã đưa vào phân tích. Kết quả khá bất ngờ, thay vì tác dụng hạ đường huyết trong máu, ông lại phát hiện ra hoạt tính trị bệnh ung thư bạch cầu của loại cây này. Dừa cạn đã được đưa vào bệnh viện thử nghiệm và trở thành cây dược liệu chính thức theo y khoa hiện đại.

Thành phần vincristin có tác dụng với bệnh nhân ung nhưng chúng lại là thành phần gây hại cho thai nhi, ức chế hệ thần kinh.

Kết quả phân tích của bác sĩ Clark, chiết xuất dừa cạn giàu alkaloid (gồm các loại: vinblastin, vincristin, tetrahydroalstonin, pirinin, vindolin, catharanthin, vindolinin, ajmalicin….).

Trong đó thành phần vincristin, vinblastin khi tách chiết thành dạng thuốc tiêm sẽ có tác dụng lớn trong ức chế tế bào hoặc sự phân bào. Cho nên chúng hạn chế được việc hình thành bạch cầu thừa ở bệnh nhân ung thư máu. Đặc biệt đến nay, y khoa vẫn chưa tìm ra phương pháp gì điều trị bệnh bạch cầu tốt hơn nên chiết xuất dừa cạn càng trở nên quý với bệnh nhân ung thư máu.

Tác dụng tẩy giun khá mạnh, tác dụng lợi tiểu của catharanthin, vindolinin và vindolidin, nhưng ajmalicin lại có tác dụng ngược lại. Những thí nghiệm dùng trên người bệnh được bắt đầu vào những năm 1960 ở Mỹ, Pháp và một số nước khác. Tuy nhiên còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Mặc dù vậy, vì hiện nay chưa có loại thuốc nào khác tốt hơn, nên nhu cầu về dừa cạn vẫn cứ tăng lên. Cũng vì mục đích dùng chữa các khối u nên khi mua dừa cạn, người ta đặc biệt chú ý tới hàm lượng ancaloit toàn phần, và trong số ancaloit toàn phần ấy có bao nhiêu hàm lượng vincaleu-coblastin.

Các tác dụng chữa bệnh, bài thuốc từ cây dừa cạn

Nguyên liệu trong các bài thuốc đều được sao giòn, tán vụn, bảo quản trong bình kín tránh ẩm.

Dùng cho bệnh nhân ung thư

Dừa cạn 15g, cây xạ đen 30g. Các vị thuốc đen rửa sạch, sắc với 1 lít nước, sắc cạn còn 700ml chia 3 lần uống sau bữa ăn 30 phút.

Trị bệnh bạch cầu lymphô cấp

Dùng 15g dừa cạn sắc nước uống. Ta đã chiết được vinblastin từ lá Dừa cạn và dưới dạng thuốc tiêm vinblastin sulfat để chữa bệnh này. 2. Trị huyết áp cao: Dùng Dừa cạn 12g, Hy thiêm 9g, Thảo quyết minh 6g và Bạch cúc 6g, sắc uống.

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp

Dừa cạn 160g, lá đinh lăng 180g, hoa hòe 150g, cỏ xước 160g, đỗ trọng 120g, chi tử 100g, cam thảo đất 140g. Các vị sao giòn, tán vụn trộn đều (bảo quản trong hộp kín tránh ẩm). Ngày dùng 40g. Hãm với 1 lít nước sôi, sau 10 phút có thể dùng được. Dùng uống thay nước trong ngày.

Trị bỏng nhẹ

Dùng lá giã nát đắp lên những vết bỏng (chú ý: chỉ đắp trong trường hợp không chợt da, bỏng nhẹ) có tác dụng làm mát chỗ bỏng, giảm đau, chống bội nhiễm. Đắp 2 – 3 ngày.

Trị bế kinh (đau bụng, mặt đỏ, bụng dưới căng đầy, tính tình cáu gắt)

Dừa cạn (phơi khô) 16g, nga truật 12g, hồng hoa 10g, tô mộc 20g, chỉ xác 8g, trạch lan 16g, huyết đằng 16g, hương phụ 12g. Sắc với 500ml nước, còn 300ml chia 2 lần uống trong ngày.

Trị Lỵ trực khuẩn

Dừa cạn (sao vàng hạ thổ) 20g, cỏ sữa 20g, cỏ mực 20g, chi tử 10g, lá khổ sâm 20g, hoàng liên 10g, rau má 20g, đinh lăng 20g. Sắc với 600ml nước còn 300ml chia 3 lần uống trong ngày. Uống 5 ngày.

Chứng tiêu khát (khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều)

Dừa cạn 16g, cát căn 20g, thạch hộc 12g, hoài sơn 16g, sơn thù 12g, đan bì 10g, khiếm thực 12g, khởi tử 12g, ngũ vị 10g. Sắc với 600ml nước, còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày. Uống 7 ngày.

Dừa cạn 10g, cây dây thìa canh 20g, nước 1 lít. Các vị thuốc đem rửa sạch, sắc cạn nước còn 3 bát chia 3 lần uống trong ngày (Uống sau bữa ăn 15-20 phút).

Trị mất ngủ

Lấy 20g thân lá dừa cạn khô sao vàng, 12g lá vông nem, 12g hạt muồng sao đen, sắc uống trước khi đi ngủ.

Trị rong kinh

Lấy từ 20 – 30g dừa cạn sao vàng (toàn cây có cả hoa và rễ), sắc lấy nước, uống liên tục từ 3 – 5 ngày.

Giảm mỡ máu, chống xơ vữa động mạch, trị tăng huyết áp.

Lá đắng, dừa cạn, lá đinh lăng, cam thảo đất, hoa hòe, sâm hành mỗi vị 150g. Tất cả cho vào ấm, đổ nước sôi hãm, sau 10 phút là dùng được, làm nước uống thay trà trong ngày. Ngày dùng 30 - 40g.

Trị tả can hỏa, giảm đau đầu, giảm huyết áp

Khổ qua 150g, cỏ mần trầu 150g, lá chi tử 100g. Tất cả cho vào ấm, hãm nước sôi, sau 10 phút là dùng được. Uống thay trà trong ngày, mỗi ngày 30 - 40g. Bài này phù hợp với người tăng huyết áp do can hỏa vượng, có triệu chứng bốc hỏa lên đầu, gây hoa mắt chóng mặt, chao đảo, đau váng đầu, giấc ngủ không yên.

Thông tiểu, lợi thận, bảo vệ thành mạch, ngăn ngừa tai biến, ổn định huyết áp, chống căng thẳng thần kinh.

Mã đề thảo 150g, đinh lăng 150g, hoa hòe (sao kỹ) 100g, đỗ trọng 100g, cỏ xước 100g, nhân trần 100g, cam thảo 100g. Tất cả cho vào ấm, đổ nước sôi hãm sau 10 phút là dùng được. Uống thay trà trong ngày, mỗi ngày 30 - 40g. Phù hợp với người bệnh tăng huyết áp do đàm thấp khí trệ.

Bổ tâm an thần, hoạt huyết thông mạch, hòa can lợi niệu, giảm đau, ổn định nhịp tim, người bệnh cảm thấy thư thái dễ chịu.

Thảo quyết minh 150g, đinh lăng 150g, táo nhân 100g, sâm hành 100g, liên nhục 100g, mạch môn 100g, ích mẫu 100g, đan sâm 100g, trạch tả 80g. Các vị cho vào ấm, đổ nước sôi hãm sau 10 phút là dùng được. Uống thay trà trong ngày, mỗi ngày 3- 40g. Bài này phù hợp cho người bị tăng huyết áp dao động, nhịp tim không đều, hay bị đau ngực, khó thở, bồn chồn, hay quên, khó ngủ.

Thân Thiện (Tổng hợp)