Bài thuốc chữa bệnh từ cây cúc lương
Cây cúc lương còn có nhiều tên gọi khác, như: cây đỏ ngọn, vàng la, lành ngạnh, ngành ngạnh, thành ngạnh, hoàng ngưu trà, người Thái gọi là mạy tỉu, người Tày gọi là mạy tiện… Là loại cây nhỏ, có gai ở gốc, cành non có lông tơ, màu tro. Phía ngọn có màu đỏ do lông tơ màu đỏ nên một số địa phương gọi là cây đỏ ngọn. Lá hình mác dài, mọc đối, mặt gân chính đỏ đến 1/3 lá non gân lá và lá có màu đỏ đến quá nửa. Hoa mọc trên những cành ngắn có lông màu tía. Quả nang, hạt hình trứng dài. Cây mọc hoang ở nhiều tỉnh phía Bắc nước ta, hay gặp nhất trên các đồi trọc vùng trung du bà con thường lấy ngọn non của cây dùng làm rau ăn sống và dùng để nấu canh chua. Lá dùng pha trà để uống dễ tiêu hoá và giải nắng nóng. Để làm thuốc và làm nước uống người ta thường hái lá dùng tươi hoặc ủ rồi phơi khô mới dùng.
Cây cúc hương.
Bài thuốc thường dùng
Bài 1: Chữa cảm sốt chân tay mỏi: Lá cây cúc lương 15g, lá ngải hoa vàng (thanh hao hoa vàng) 15g. Tất cả rửa sạch, cho 500ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống lúc còn nóng. Kết hợp với ăn cháo giải cảm sẽ nhanh khỏi.
Bài 2: Chữa đau đầu, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ ở người tăng huyết áp: Lá cây cúc lương 30g, hoa hòe 15g cho vào ấm hãm thay chè uống hàng ngày.
Bài 3: Hỗ trợ tiêu hóa, giúp ăn ngon… dùng cho phụ nữ sau sinh: Lá cây cúc lương 15 – 30g rửa sạch, đun nước sôi hãm thay trà, uống hàng ngày, có thể thêm lá vối.
Ngoài ra ở một số địa phương bà con thường lấy lá hoặc vỏ cây sắc uống chữa kinh nguyệt không đều, táo bón. Hiện nay, Học viện Quân y đã nghiên cứu đề tài cấp bộ, cấp nhà nước và đã tiến hành sản xuất trà về cây cây cúc lương có tác dụng chống ôxy hóa, hạn chế lão hóa, giúp cải thiện tuần hoàn não, cải thiện giấc ngủ ngon, điều hòa huyết áp, kích thích tiêu hóa, giảm mệt nhọc sau lao động, gắng sức,… nhằm phục vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.