Bài thuốc chữa bệnh từ cây cù mạch
Cây cù mạch
Cù mạch hay còn gọi là cẩm chướng thơm, Cẩm nhung, Cồ Mạch (Cồ là lớn, mạch là lúa. Vị này giống như hạt lúa mạch mà lớn hơn nên gọi là Cồ mạch). Ngoài ra Cù mạch còn được gọi là Cự câu mạch (Bản Kinh), Đại lan (Biệt Lục), Cự mạch, Tư nuy (Quảng Nhã), Đại cức (Nhĩ Nhã), Thạch trúc (Nhật Hoa Tử Bản Thảo), Lạc dương nam thiên trúc thảo (Bản Thảo Cương Mục), Địa miến, Lung tu, Đại cúc tử, Đại lan tử, Tứ thời mỹ, Đổ lão thảo tử, Thánh lung thảo tử, Nam thiên trúc thảo tử (Hòa Hán Dược Khảo).
Thân mọc bò trên mặt đất rồi mọc đứng, màu xanh lam. Hoa đơn độc hay tụ họp thành những xim 2 ngã, có một tổng bao gồm 4 lá bắc. Đài hợp thành ống dài, có 5 răng. Nhị to. Bầu 1 ô, 2 vòi. Quả nang hình trụ có 4 mảnh vỏ. Hạt giẹp. Ra hoa vào mùa xuân, mùa hạ.
Cách phân biệt cây cù mạch
Còn có nhiều loại khác như cây Diathus chinensis Lin (Cẩm chướng gấm) là cây cỏ cao 40-50cm, thân tròn. Lá mọc đối không lông, dính nhau ở đáy, hình muỗng dài 10cm. Tụ tán như hoa đầu, hoa có nhiều đài phụ như kim, dài 1,5cm, xanh, vàng rộng 3cm hay hơn, cánh hoa có bớt trắng đỏ, hường, hay tím, đầu có răng. Hay có nhiều ở Đà Lạt.
Cồ mạch dùng toàn cây (hạt, hoa, lá). Lá cây có nhiều lá mọc đối, có thể có cả hoa, bỏ hết gốc rễ, lá cành nguyên, sạch tạp chất, không mốc, sâu vụn nát là tốt. Hạt nhỏ hình tròn cạnh dài, lúc chín rời rụng ra, màu đen phẳng và dẹp giống như hạt mè. Cần lưu ý thuốc dễ hút ẩm, sinh mốc và vụn nát, phải bảo quản nơi khô ráo, thoáng gió, thỉnh thoảng đem phơi nắng.
Hoa cẩm chướng phơi khô cho vị thuốc cù mạch.
Theo Đông y, cù mạch có vị đắng, tính hàn không độc, quy vào kinh tâm và tiểu trường. Tác dụng trừ thấp, lợi niệu, thông lâm, hoạt huyết, phá ứ, thông kinh, chỉ thống. Liều dùng từ 6-16g. Trường hợp tỳ, thận hư mà không có thấp nhiệt thì cấm dùng, phụ nữ có thai không dùng.
Bài thuốc có dùng cù mạch
Bài 1. Chữa các chứng thấp nhiệt hạ chú gây huyết lâm, nhiệt lâm nước tiểu đỏ đục, đái buốt, đái dắt, nặng thì đái không được, bụng dưới đầy, miệng khô, họng ráo, rêu lưỡi vàng cáu, mạch hoạt sác; phải thanh nhiệt tả hỏa, lợi thủy, thông lâm. Dùng Bát chính tán gồm: xa tiền, cù mạch, biển súc, hoạt thạch, sơn chi, cam thảo (trích), mộc thông, đại hoàng (hơ nóng), lượng bằng nhau, sao giòn tán mạt, ngày uống 3 lần, mỗi lần 10-15g, sắc với nước đăng tâm thảo.
Bài 2. Trường hợp tiểu tiện không thông có thủy khí, người rất khát phải ôn dương hóa thủy, sinh tân, chỉ khát. Dùng bài Qua lâu cù mạch hoàn: cù mạch 40g, qua lâu căn 80g, hắc phụ tử 20g, phục linh 120g, hoài sơn mỗi thứ 120g, tán bột, trộn với mật làm thành viên hoàn to bằng hạt ngô đồng, uống ngày 3 lần, mỗi lần 3 viên. Nếu chưa có hiệu quả thì uống thêm 7-8 viên, khi nào tiểu thông, ấm trong bụng là được.
Bài 3. Trường hợp bí tiểu cấp tính do thấp nhiệt (viêm nhiễm) đái ít, đau, buốt dắt. Dùng bài Bát chính ô linh thang: thổ phục linh 30g, cù mạch 20g, biển xúc, xa tiền, hoạt thạch đều 18g, mộc thông 12g, đăng tâm thảo 6g, ô dược, sơn chi (sao), đại hoàng (sống) đều 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài 4. Nếu tiểu buốt khó đi, tiểu ra mủ do thấp nhiệt, phải thanh nhiệt, lợi thấp, lợi niệu thông lâm. Dùng bài Thận vu thanh giải thang: bạch đầu ông, liên kiều, hoạt thạch đều 30g, hoàng bá, mộc thông, biển súc, cù mạch, phục linh đều 15g, hoàng liên, sinh cam thảo bằng lượng 10g. Sắc uống ngày 1 thang, uống trong 2 tuần.
Bài 5. Nếu sỏi niệu quản do thấp nhiệt hạ chú cần phải tiêu thạch, thông lâm, hành khí hóa ứ, thanh lợi thấp nhiệt. Dùng bài Niệu lộ bài thạch thang gồm: kim tiền thảo 30g, thạch vi 30g, xa tiền tử 24g, mộc thông 10g, cù mạch 15g, biển súc 24g, chi tử 20g, đại hoàng 12g, hoạt thạch 15g, cam thảo (sao) 10g, ngưu tất 15g, chỉ xác 10g. Ngày 1 thang sắc uống chia 2 lần.
Bài 6. Trị sỏi bàng quang. Dùng cù mạch 12g, hải kim sa 9g, kim tiền thảo 30g, hoạt thạch 9g, cam thảo 5g, sắc uống.
Bài 7. Trường hợp phá huyết thông kinh, trị bế kinh, ứ huyết. Dùng cù mạch, đan sâm, xích thược mỗi thứ 9g, ích mẫu thảo 15g, hồng hoa 6g, sắc uống.