Logo Bài Thuốc Quý

Bài thuốc chữa bệnh từ cây bỏng nổ

01/01/2020 · Sức khỏe
Cây bỏng nổ hay còn gọi là cây nổ, cây cơm nguội...Trong dân gian thường được sử dụng chữa các bệnh như: thủy đậu, mụn nhọt, phát ban, các bệnh ngoài da...Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về cây bỏng nổ và bài thuốc chữa bệnh của loại cây này.

Cây bỏng nổ

Bỏng nổ (tên khoa học Flueggea virosa) hay còn gọi là Quả nổ trắng, Cơm nguội, Mác ten (tên tiếng Tày), Co cáng (tên tiếng Thái) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Là loài cây bụi, cao 2-3 mét, mọc rải rác ở ven rừng. Ở Việt Nam nó có mặt tại các vùng rừng núi trên khắp cả nước. Cây có lá mỏng, nguyên, thường có hình bầu dục, đầu lá tù hoặc thuôn và gốc nhọn hình nêm, với lá kèm hình tam giác. Cành già màu nâu sẫm. Cây có hoa đơn tính khác gốc (cây đực và cây cái riêng biệt), với hoa đực mọc thành cụm nhiều hoa trong khi hoa cái mọc riêng lẻ hoặc thành cụm chỉ 2-3 cái. Quả nang hình cầu, màu trắng nhạt, có 3 mảnh vỏ, khi chín ăn được. Hạt hình 3 cạnh, màu đỏ nâu. Cây ra hoa từ tháng 6 tới tháng 8 và kết quả từ tháng 9 đến tháng 11. Vỏ thân, rễ cây có vị chát, có độc.

Cây bỏng nổ

Bỏng nổ hay còn gọi là cây Cơm nguội.

Theo GS. Đỗ Huy Bích, “tránh nhầm với cây Bỏng nổ (Serissa foetida L) và cây Quả nổ (Ruellia tuberosa)”.

Ở Việt Nam chi nổ Fluggea Willd có 3 loài, thì loài Fluggea virosa phân bố rộng rãi nhiều nơi trên bờ bãi ven đường, chỗ dãi nắng từ Lạng Sơn đến Cà Mau và một số đảo như Côn Đảo, không như hai loài còn lại chỉ có ở một số điểm phía Nam nước ta. Cây có ưu điểm nổi bật là dễ tái sinh bằng chồi và nơi đất khô cằn thoái hoá, không cạnh tranh với các cây nông nghiệp khác. Rễ, vỏ và ruột dùng làm thuốc hơn lá, thu hái cả năm nhưng vào mùa thu thì tốt hơn. Rễ to chỉ lấy vỏ, thái mỏng phơi khô…

Cây Nổ trên thế giới Cây Nổ Fluggea virosa (Roxb. ex Willd) là loài phân bố rộng rãi nhất trong số 13 loài của chi Nổ Fluggea Willd gặp khắp các vùng cỏ nhiệt đới, từ Tây Phi tới nhiệt đới Châu á và Châu úc. Theo tài liệu ấn Độ, có 7 ancaloit trong cây Nổ và phân bổ tuỳ theo từng bộ phận cây, vỏ thân, vỏ rễ, lá. Hàm lượng alcaloit thay đổi theo mùa (có nhiều nhất vào thời gian cây có hoa và quả). Trong một tài liệu khác của ấn Độ mới công bố gần đây thì trong lá Nổ (Fluggea virosa Roxb. ex Willd) có chất Bergenin và Nor -bergenin. Ngoài ra, còn có tanin (4,8 – 7,6%), axit hữu cơ (10,4%) và Rutin ở lá. Cây Bỏng nổ (Taskent - Liên Xô cũ) có hàm lượng alcaloit trong lá khô là 0,58 – 0,84%, trong vỏ thân và vỏ rễ là 0,4 – 0,6%.

Tác dụng của cây bỏng nổ

Cây Nổ ở Việt Nam Nhân dân thường dùng trong các bệnh sau:

  • Vỏ thân, vỏ rễ thái nhỏ để tươi hoặc nấu lấy nước duốc cá.
  • Chữa sốt nóng, khát nước: Vỏ rễ 6g, sắc với 200ml nước còn 50ml uống trong ngày.
  • Chữa chứng hay chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi, run chân tay: rễ cây Nổ với Dây đau xương lượng bằng nhau (8g), sắc uống.
  • Chữa vết thương ghẻ lở nhiễm khuẩn tụ cầu gây mủ, làm chóng liền sẹo. Gỗ thân cây Nổ đốt thành than tán, bột rắc lên vết thương. Có nơi dùng cho người bị bệnh phong (hủi).
  • Chữa đau răng viêm lợi: Rễ cây Nổ sắc nước đặc, ngậm rồi nhổ đi, không nuốt.

Thực tế ở Việt Nam, cây Bỏng nổ chủ yếu dùng theo kinh nghiệm dân gian như nấu nước lá, cành và rễ để tắm cho người ghẻ lở, thậm chí người bị hủi. Rễ thái mỏng phơi hay sấy khô hoặc sao vàng sắc uống chữa sốt, sốt rét, chóng mặt, chân tay run rẩy. Dịch chiết cành và lá cây Bỏng nổ có tác dụng trừ sâu, sát trùng vết thương khi phối hợp với thuốc lá. Liều thường dùng theo kinh nghiệm dân gian là 6 – 12g vỏ rễ.

Theo tài liệu Australia Medicine plants, thổ dân Châu úc uống dịch sắc lá non để chữa đau bụng. Dịch chiết dùng ngoài để chữa ngứa, mụn nhọt, phát ban, mẩn đỏ, thuỷ đậu, vết thương ngoài da.

Theo tài liệu ấn Độ, lá và dịch chiết lá làm thành bột nhão với thuốc lá để diệt ấu trùng giun sán. Dịch chiết lá cũng được sử dụng để nhuận tràng, hạ nhiệt khi sốt và rửa vết thương. Tanin trong vỏ dùng để thuộc da và nhuộm thảm đen. Vỏ cây và rễ có tác dụng cầm máu. Rễ có tác dụng tẩy xổ. Trong rễ có hoạt chất làm giảm đau và kích thích tình dục. Quả chín có thể ăn được.

Ở Liên Xô cũ, đã tiến hành thí nghiệm và chỉ ra chế phẩm alcaloit securinin có thể thay thế chế phẩm strychnin và hạt Mã tiền do nó kích thích thần kinh tương tự như strychnin nhưng ít độc hơn. Nhờ đó, alcaloit này có thể điều trị bệnh liệt ở thể không hoàn toàn mà nguyên nhân là do nhiễm khuẩn hay rối loạn tâm thần. 

Ở Ấn Độ, đã tiến hành thí nghiệm với chuột có hàm lượng lipit trong máu cao được uống bergenin trong 21 ngày. Kết quả cho thấy hàm lượng cholesterol và triglycerit trong huyết thanh giảm. Như vậy, thí nghiệm chỉ ra rằng bergenin có thể làm giảm khả năng xơ vữa động mạch.

Kết quả nghiên cứu về hoạt chất và tác dụng dược lý cây Nổ Việt Nam (Phạm Thanh Kỳ, Phó Đức Thuần-1995). Cây Nổ có thành phần chủ yếu là alcaloit. Ngoài saponin và tanin đã được GS Đỗ Tất Lợi đề cập trước đây còn thấy cumarin trong mẫu ở Cúc Phương.

Cây cơm nguội

Cây Nổ mọc hoang dại ở Hà Nội có hàm lượng alcaloit trong lá là 0,76 - 2,01%, vỏ thân 0,96 -1,12%. Chất securinin là một trong số 7 alcaloit mà chúng tôi đã kết tinh được từ trong lá cây Nổ. Với hai chất nói trên (alcaloit toàn phần và securinin), sơ bộ chúng tôi đã thu được một số kết quả như sau: 

Trên thần kinh trung ương

- Securinin có tác dụng ức chế nhân đỏ của não bộ, giải phóng nhân tiền đình của não dẫn đến tình trạng co cứng cơ duỗi kiểu “duỗi cứng mất não”. Điều đó gợi những hướng nghiên cứu sâu hơn để ứng dụng vào lâm sàng thần kinh học.

- ài liệu Liên Xô cho biết securinin có tác dụng giống strychnin. Vậy, giống như thế nào và securinin có thay thế được strychnin hay không? cây Nổ có thể thay Mã tiền? đây là những vấn đề đang được chúng tôi nghiên cứu tìm câu giải đáp. Sơ bộ, chúng tôi thấy: Tác dụng hoạt hoá của securinin lên các tế bào thần kinh trung ương làm tăng điện thế tổng hợp có thể so sánh với tác dụng của strychnin. Điều này cần nghiên cứu thêm vì securinin ít độc hơn strychnin. 

- Khi dùng aminazin tiêm trước rồi cho uống hỗn hợp alcaloit Bỏng nổ, chuột bị ngộ độc chậm hơn, các cơn co giật giảm về cường độ và tần số . Sau 24 giờ vẫn còn súc vật sống. Aminazin là chất có tác dụng ức chế thể lưới. Như vậy qua thực nghiệm tương tác giữa 2 loại thuốc này có thể nghĩ đến alcaloit Bỏng nổ là thuốc có tác dụng thần kinh trung ương.

Tác dụng kháng khuẩn

Tương đối mạnh đối với một số vi khuẩn như Bacillus pumilus, Bacillus subtilis, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Salmonela typhy, Proteus mirabilis, Shigella flexneri. Alcaloit toàn phần của cây có tác dụng kháng khuẩn tốt hơn alcaloit toàn phần của lá. Nồng độ ức chế tối thiểu của securinin trong lá Nổ là 5mg/ml đối với 3 chủng vi khuẩn Proteus mirabilis, Salmonella typhy, Bacillus subtilis.

Độc tính trong lá

Alcaloit: LD50= 592mg/kg; LD0=500mg/kg; LD100= 700mg/kg

Securinin: LD50= 237mg/kg LD0= 200mg/kg LD100=300mg/kg. 

Vậy cây Nổ rất độc so với những cây độc khác mà chúng tôi đã khảo sát khi thực hiện chương trình “Nghiên cứu tính an toàn và hiệu lực của thuốc cổ truyền phương Đông” (1970 - 1990).

Liều độc và liều an toàn của chúng gần nhau nên sẽ gặp khó khăn, không thể tuỳ tiện khi chọn liều lượng sử dụng; Cần thận trọng khi uống.

Thân Thiện (Tổng hợp)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN