Logo Bài Thuốc Quý

Bài thuốc an thần, nhuận tràng từ hạt trắc bách

01/01/2020 · Sức khỏe
Trắc bách hay trắc bách diệp là loài cây lá kim, cây có dáng và lá đẹp nên thường được trồng làm cây cảnh trong nhà, cây trồng tạo cảnh trong các cơ quan. Trắc bách có nhiều tác dụng trong y học, đặc biệt hạt trắc bách thường được dùng để an thần, nhuận tràng.

Trắc bách

Trắc bách diệp hay còn gọi cây trắc bá, bá tử nhân, có tên khoa học là Platycladus orientalis thuộc họ hoàng đàn. Chúng mọc mọc tự nhiên ở miền tây Trung Quốc và bắc Triều Tiên. Thường mọc trên dốc, sườn đồi và vách đá và được trồng rộng rãi trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam.

cây trắc bách

Trắc bách diệp

Cây trắc bách diệp là một loài cây lá kim. Trong tự nhiên, chúng phân nhánh thường xanh có thể cao đến 15.2 m với tán rộng 6.1 m. Khi con người trồng, chúng chỉ mọc như một cây bụi nhỏ hơn.

Hạt trắc bách còn gọi bá tử nhân, tên khoa học (Semen Thuya orientalis, là nhân hạt phơi hay sấy khô của cây trắc bách: Thuya orientalis L. [Biota orientalis (L) Endl.], họ Hoàng đàn (Cupressaceae). Hạt trắc bách có chứa lipid, saponosid. Theo Đông y, hạt trắc bách vị ngọt, tính bình; vào tâm, can, tỳ. Có tác dụng dưỡng tâm an thần, nhuận tràng thông tiện. Dùng cho các trường hợp hồi hộp lo âu, đánh trống ngực, mất ngủ (tâm quý thất miên), đại tiện táo. Liều dùng 9 - 15g bằng cách sắc, nấu, hầm, rang, xào.

Tác dụng trị bệnh của hạt trắc bách

Dưỡng tâm, an thần, trị thiếu máu, tinh thần hoảng hốt, mất ngủ, hay mơ, hồi hộp, tim đập mạnh, trí nhớ suy giảm:

Bài 1: hạt trắc bách 20g, thục địa 20g, mạch môn đông 12g, câu kỳ tử 12g, đương quy 12g, phục thần 12g, huyền sâm 12g, cam thảo 4g, xương bồ 4g. Sắc uống.

Bài 2: Bá tử nhân 16g, toan táo nhân 16g, ngũ vị tử 8g, viễn chí 8g. Sắc uống. Chữa máu không đủ nuôi dưỡng tim, hồi hộp, ngủ ít.

Bài 3: hạt trắc bách 500g, đương quy 500g. Các vị nghiền bột mịn, luyện với mật, làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g.

Nhuận tràng, dùng cho người âm hư, người già và phụ nữ sau đẻ bị táo bón: hạt trắc bách 12g, nhân hạt quả thông 12g, hoả ma nhân 12g. Các vị nghiền bột mịn, luyện với mật làm hoàn hoặc sắc uống.

Bổ âm, cầm mồ hôi: hạt trắc bách 16g, cù mạch 16g, ngũ vị tử 8g, bán hạ khúc 12g, mẫu lệ 12g, đảng sâm 12g, ma hoàng căn 12g, bạch truật 12g. Các vị nghiền bột mịn, trộn với thịt quả đại táo, làm hoàn hoặc sắc uống.

hạt trắc bách

Hạt trắc bách.

Món ăn - bài thuốc có hạt trắc bách

Cháo hạt trắc bách: hạt trắc bách 10 - 15g, gạo tẻ 100g, mật ong vừa đủ. Hạt trắc bách giã dập, nấu với gạo thành cháo, cho mật ong khuấy đều và đun sôi lăn tăn là được. Thích hợp với người loạn nhịp tim, đánh trống ngực hồi hộp, lo âu, mất ngủ, quên lẫn, táo bón lâu ngày.

Tim lợn hầm hạt trắc bách: tim lợn 1 quả, hạt trắc bách 30g. Tim bóc màng rửa sạch, rạch mở cho bá tử nhân vào, khâu lại, hầm cách thủy cho chín nhừ, khi ăn thêm gia vị. Dùng tốt cho người loạn nhịp tim, đánh trống ngực hồi hộp, lo âu, mất ngủ quên lẫn.

Mật ướp hạt trắc bách cúc hoa: hạt trắc bách 30g, cúc hoa 30g. Các vị sao khô tán mịn, để sẵn. Mỗi lần dùng 14 - 18g, hòa với nước nóng, thêm mật ong khuấy đều. Làm đẹp nhan sắc cho phụ nữ.

Lưu ý: Người có đàm thấp, bị tiêu chảy không nên sử dụng hạt trắc bách.

Theo SKĐS
BÀI VIẾT LIÊN QUAN