Logo Bài Thuốc Quý

Bạch hoa xà thiệt thảo chữa ung thư

01/01/2020 · Sức khỏe
Bạch hoa xà thiệt thảo là loài cây được biết đến với tác dụng chữa rắn cắn, côn trùng đốt, và mới đây các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh được tác dụng chữa ung thư giai đoạn sớm của cây thuốc này.

Bạch hoa xà thiệt thảo

Dược liệu này ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh tác dụng chữa ung thư của bạch hoa xà thiệt thảo.

Bạch hoa xà thiệt thảo có tên khoa học là Hedyotis diffusa Willd. hay Oldenlandia diffusa Roxb., họ cà phê: Rubiaceae. Với sự tiến bộ của các công nghệ phân tích như phương pháp khối phổ (Mass spectrometer - MS), sắc ký lỏng khối phổ (Liquid chromatograph-mass spectrometer-LC-MS), nhiều nghiên cứu đã phân lập được nhiều thành phần hóa học quan trọng của bạch hoa xà thiệt thảo. Cho đến nay, đã có 171 hợp chất được báo cáo có mặt trong bạch hoa xà thiệt thảo, bao gồm các iridoid, triterpene, flavonoid, anthraquinone, phenolic acid và dẫn xuất, sterol, alkaloid, dầu dễ bay hơi, polysaccharide, cyclotide và coumarin.

Bạch hoa xà thiệt thảo

Bạch hoa xà thiệt thảo

Tác dụng chữa ung thư

Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng ức chế sự phát triển và gây chết theo chương trình nhiều dòng tế bào ung thư như dòng tế bào ung thư đại trực tràng (HT-29, CT-26, HCT-8/5-FU, Caco-2), dòng tế bào leukemia (CEM, WEHI-3, HL-60, U937, THP-1), dòng tế bào ung thư gan (HepG2, MHCC97-H), dòng tế bào ung thư phổi (A549, H1355, SPC-1-A), dòng tế bào ung thư vú (MCF-7), dòng tế bào ung thư cổ tử cung (Hela), dòng tế bào ung thư tiền liệt tuyến (DU145, PC-3, LNCaP), dòng tế bào đa u tủy xương (RPMI 8226), ung thư buồng trứng (A2780) và một số dòng tế bào ung thư khác (B16F10, S-180, MG-63, U87); cũng như tác dụng chống viêm, điều hòa miễn dịch.

Dưới đây là một số nghiên cứu mới chứng minh tác dụng điều trị ung thư của bạch hoa xà thiệt thảo:

Nghiên cứu của Chung T.W và cộng sự (2017): Dịch chiết methanol và butanol của bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng chống phân bào, ngăn chặn di căn bằng cách ức chế hoạt động phiên mã của tế bào, do đó giảm khả năng xâm lấn của các tế bào ung thư vú MCF-7 và đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa sự chết theo chương trình của tế bào ung thư vú.

Nghiên cứu của Zhang L. và cộng sự (2016): Bạch hoa xà thiệt thảo ức chế đáng kể sự phát triển của tế bào ung thư buồng trứng A2780 và gây ra sự chết theo chương trình. Việc kích thích sự chết theo chương trình của bạch hoa xà thiệt thảo liên quan đến việc điều chỉnh giảm protein Bcl-2 và kích hoạt caspase 3-9. Ngoài ra, bạch hoa xà thiệt thảo còn ngăn chặn sự di chuyển của các tế bào ung thư buồng trứng. Một phân tích HPLC-Q-TOF-MS của bạch hoa xà thiệt thảo tìm thấy 13 hợp chất flavonoids và một hợp chất antraquinone, có thể góp phần vào tác dụng chống ung thư.

Bạch hoa xà thiệt thảo chữa các bệnh viêm đường hô hấp

Bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng chữa các bệnh viêm đường hô hấp

Nghiên cứu của Liu Z. và cộng sự (2010): Hoạt chất methylanthraquinone từ cây bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng kháng nhiều loại tế bào ung thư. Nghiên cứu đã chỉ ra các cơ chế gây ra chết theo chương trình qua trung gian methylanthraquinone trong tế bào ung thư vú người MCF-7. Khi các tế bào MCF-7 đồng trùng hợp với methylanthraquinone, tỷ lệ tế bào chết và pha S của chu trình tế bào tăng đáng kể. Ngoài ra, sự gia tăng canxi nội bào, phosphoryl hóa JNK và kích hoạt calpain đã được tìm thấy trong tế bào MCF-7 sau khi tiếp xúc với methylanthraquinone. Với việc giảm trung gian methylanthraquinone của màng tế bào ty thể, cytochrome C đã được giải phóng khỏi ty thể đến cytosol. Hơn nữa, methylanthraquinone gây ra sự phân cắt của caspase-4, caspase-9 và caspase-7 trong các tế bào MCF-7.

Nghiên cứu của Lin J. và cộng sự (2011): Dịch chiết nước của bạch hoa xà thiệt thảo ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch trên mô hình chuột được gây bệnh leukemia.

Nghiên cứu của Wang và cộng sự (2005): đã chứng minh tác dụng điều hòa miễn dịch của flavonoid toàn phần trong bạch hoa xà thiệt thảo bằng cách cho chuột nhắt bị suy giảm miễn dịch uống flavonoid toàn phần (15, 30, và 60mg/kg), kết quả thu được là sự tăng nồng độ interleukin-2 (IL-2) và interferon-γ (INF-γ) cùng với sự gia tăng số lượng các tế bào lympho B và T.

Nghiên cứu của Hsu H.Y. và cộng sự (1997): Oleanolic acid (OA) trong bạch hoa xà thiệt thảo đã được nghiên cứu xác định khả năng ức chế sự phát triển của khối u, giảm tổn thương máu sau xạ trị và tác dụng chống viêm.

Với số lượng bệnh nhân ung thư tăng nhanh cùng với xu hướng điều trị ung thư bằng liệu pháp tự nhiên thì việc nghiên cứu tạo chế phẩm hỗ trợ điều trị ung thư sử dụng các loại dược liệu có nguồn gốc tự nhiên là rất cần thiết. Bạch hoa xà thiệt thảo đã được khoa học chứng minh tác dụng chống ung thư sẽ là thành phần tiềm năng, không thể thiếu trong các bài thuốc, chế phẩm phòng và điều trị ung thư.

Theo SKĐS