Ăn cá chim giúp cải thiện tình trạng đau nhức xương
Cá chim
Cá chim theo y học cổ truyền là loài cá rất giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là cá chim nước mặn là một loại đặc sản hàng đầu. Trong 100g thịt cá chim trắng có: 75,2g nước; 19,4g protid; 5,4g lipid; 1,1g tro; 15mg calci; 0,6mg sắt; 185mg phospho; 145mg natri; 263mg kali; các vitamin C, PP, B 1, B2,...; cung cấp 126kcalo. Trong 100g cá chim đen có 76,3g nước; 19,8g protid; 2,5g lipid; 1,3g tro; 43mg calci; 204mg phospho; 0,6mg sắt; 94mg natri; 196mg kali; các vitamin; cung cấp 102kcalo. Cá chim được chế biến rất đa dạng với nhiều thực đơn hấp dẫn, đồng thời cũng cho giá trị chữa bệnh cao.
Theo y học cổ truyền, cá chim còn gọi là xương ngư, bình ngư, thoa phiến ngư..., tên khoa học: Stomateoides argenteus Euphrasen, có vị ngọt mặn, tính hơi ôn, có tác dụng kiện tỳ, dưỡng huyết, bổ vị cố tinh, nhu lợi cân cốt. Thường được dùng cho người bệnh kém ăn, cơ thể suy nhược, hồi hộp, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, đau nhức, tê bại vùng cổ, thắt lưng và tay chân...
Cá chim.
Ngoài các loại cá chim biển, hiện nay ở nước ta còn có loại cá chim nước ngọt. Cá chim nước ngọt có tên khoa học là Colossoma brachypomum, có nguồn gốc tại vùng Amazon, Nam Mỹ, được nhập vào nước ta từ năm 1998.
Thịt cá chim, dù là cá chim trắng, chim đen hay chim trắng nước ngọt đều là loại thực phẩm ngon và nhiều chất dinh dưỡng, giàu omega - 3, nhiều protein có lợi cho sức khỏe. Cá chim thường được bán trên thị trường dưới các dạng đông lạnh nguyên con, phi lê đông lạnh tươi, cắt khúc đông lạnh tươi.
Món ăn - bài thuốc từ cá chim
Xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc từ cá chim để bạn đọc tham khảo và có thể áp dụng trong các trường hợp sau:
Cá chim có tác dụng bồi bổ xương khớp
Thoái hóa xương khớp, đau nhức chân tay, đau lưng, mỏi gối: Cá chim 250g, hạt dẻ 15 - 20 hạt. Cách làm: Làm sạch cá, hạt dẻ đập dập bỏ vỏ, cho gia vị vừa đủ nấu thành canh ăn trong bữa cơm, ngày 1 lần. Ăn liền 1 tuần.
Tiêu hóa kém, chán ăn, gầy yếu: Cá chim 250g, đậu trắng hạt to 30g. Cách làm: Làm sạch cá, cắt khúc, cho đậu và gừng tươi đập dập, nấu thành canh, thêm hành sống và gia vị vừa đủ, ăn trong ngày.
Rối loạn tiêu hóa, thiếu máu: Cá chim 250g, bạch truật 15g, bạch thược 15g. Cách làm: Dược liệu sắc lấy nước bỏ bã; Cá chim làm sạch, cắt khúc, cho vào nước thuốc, nấu canh, thêm gia vị vừa ăn. Dùng cho các trường hợp rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do tỳ vị hư nhược, thiếu máu do huyết hư thiểu dưỡng.
Đau đầu, chóng mặt mất ngủ: Cá chim 250g, đảng sâm 15g, đương quy 15g, thục địa 15g, sơn dược 20g. Cách làm: Dược liệu sắc lấy nước, bỏ bã; Cá chim rửa sạch, cắt khúc cho vào hầm. Dùng cho các trường hợp đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm do huyết hư, hồi hộp mất ngủ, suy nhược mỏi mệt.
Hỗ trợ điều trị thận hư, liệt dương, di tinh: Cá chim 250g, ngài tằm 20 con. Cách làm: Cá chim làm sạch cho cùng ngài tằm, nêm gia vị vừa đủ nấu thành canh ăn trong bữa cơm, ngày 1 lần. Ăn liền 1 tuần.
Bổ thận, ích khí, dưỡng huyết: Cá chim 1 con 500g, thịt nạc vai 50g, rau cải thìa 250g, gia vị vừa đủ. Cách làm: Cá chim làm sạch, ướp gia vị, cho dầu vào chảo rán sơ, sau đó cho vào nồi hấp chín, nhấc ra đĩa. Cho thịt nạc vai và rau cải thìa vào chảo xào chín, nêm 1 chút rượu, gia vị, nước bột năng, đun chín rồi tưới lên con cá, ăn trong bữa cơm. Công dụng: Bổ thận ích khí, dưỡng huyết bổ âm nhuận táo, dùng bồi bổ tỳ vị suy hàn, thể nhược tinh ít.
Chú ý: Người bị tăng huyết áp, tăng mỡ máu, bệnh tim mạch không nên dùng.