Logo Bài Thuốc Quý

Lợi ích sức khỏe khi ăn bánh trưng

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Bánh chưng không chỉ là món ăn ngon được dùng phổ biến trong ngày tết cổ truyền, mà các nguyên liệu tạo nên nó còn có công dụng chữa bệnh tuyệt vời.

Không chỉ là món ăn ngon mà bánh chưng còn có tác dụng chữa bệnh hiệu quả.

Gạo nếp

Theo y học cổ truyền, gạo nếp vị ngọt, thơm dẻo, tính ấm, tác dụng bổ tỳ vị hư yếu, dùng trị đau bụng, nôn mửa và tiểu dưỡng chấp. Tinh bột gạo nếp dùng trị tiêu chảy.

Cám gạo được dùng chữa bệnh tê phù và chống chứng nghẹn. Nghiên cứu dược lý thực nghiệm cho thấy cám gạo có tác dụng bảo vệ chống viêm dây thần kinh và trị các bệnh về da.

Cám tinh thu được sau khi chà xát gạo có tác dụng làm tăng huyết sắc tố trong máu, chống thiếu máu. Thử nghiệm lâm sàng trên người cho thấy hoạt chất trong dầu cám gạo có tác dụng làm hạ nồng độ cholesterol trong máu.

Dầu cám gạo và một hoạt chất chiết từ cám gạo có tác dụng chống ung thư, có thể do khả năng kích thích hoạt tính miễn dịch của cơ thể bệnh nhân ung thư. Từ rễ cây lúa, các nhà nghiên cứu đã chiết ra được các oryzaran A, B, C và D, có tác dụng làm hạ đường máu trên động vật thử nghiệm bị đái tháo đường.

Kẹo mạch nha làm từ thóc nếp ngâm ủ cho nẩy mầm, chứa các chất men có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn nhiều tinh bột, giúp ăn ngon miệng, trị chứng sôi bụng.

Đậu xanh

Đậu xanh là một loại ngũ cốc thông dụng, thường được trộn với gạo nếp để đồ xôi, làm nhân bánh chưng, bánh tẻ, bánh nếp, nấu cháo, nấu chè, làm giá, là nguyên liệu làm miến.

Theo y học cổ truyền, hạt đậu xanh vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng, giải độc.

Ở một số nước châu Á, đậu xanh còn được dùng chữa bệnh tê phù. Vỏ hạt đậu xanh cũng có tác dụng giải nhiệt, tiêu độc, giúp mắt khỏi mờ.

Liều dùng hạt đậu xanh: mỗi ngày 15-30 g, sắc nước uống. Dùng ngoài giã nát đắp tại chỗ. Nghiên cứu dược lý thực nghiệm cho thấy bột đậu xanh hoặc bột hạt đậu xanh đã mọc mầm trộn vào thức ăn hàng ngày có tác dụng phòng ngừa và điều trị chứng tăng lipid máu, từ đó góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh vữa xơ động mạch.

Thịt lợn (trư nhục)

Tác dụng tư âm nhuận táo. Thịt heo, nguồn cung cấp chất đạm (protein) là chất không thể thiếu cho mọi lứa tuổi. Nếu trẻ em thiếu đạm sẽ chậm lớn, thấp bé khi trưởng thành. Người lớn tuổi thiếu đạm hay bị mệt mỏi, giảm cân.

Mỡ lợn (trư cao)

Tác dụng bổ hư nhuận táo. Chữa trị được chứng ho khan, táo bón, khô da, nứt nẻ da… Mỡ lợn nguồn cung cấp chất béo (lipit) là chất không thể thiếu cho mọi lứa tuổi, nếu bổ sung chất béo hợp lý đóng vai trò rất quan trọng về hình thành phát triển của hệ thần kinh, nội tiết tố, sinh dục…

Ngoài ra, chất béo còn giúp hòa tan hấp thu chuyển hóa các vitamin A, D, E, K, cũng như duy trì mềm mại của làn da mái tóc…

Hạt tiêu

Hạt tiêu và đặc biệt là hoạt chất oleoresin trong hạt tiêu có các tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm, làm tăng quá trình đông máu do làm tăng nhanh sự hoạt hóa thrombin và giảm tỷ lệ heparin trong hệ đông máu.

Hạt tiêu dùng liều nhỏ có tác dụng tăng tiết dịch vị, dịch tụy, kích thích tiêu hóa, tăng nhu động ruột, tống hơi trong ruột ra ngoài, giúp ăn ngon. Liều cao có tác dụng kích ứng niêm mạc dạ dày và đường tiết niệu. Ngoài ra còn có tác dụng diệt ký sinh trùng, đuổi các sâu bọ.

Muối

Tác dụng tả hỏa, thanh tâm, lương huyết, nhuận táo, dẫn thuốc khác vào kinh thận. Muối có vai trò cân bằng thể dịch, cân bằng kali và natri, điều hòa âm dương trong cơ thể… khi thiếu muối cơ bắp dễ bị chuột rút, hoa mắt, chóng mặt…

Lá dong

Lá dong được dùng chủ yếu để gói bánh chưng, bánh tét, bánh nếp, bánh tẻ. Bánh gói lá dong sau khi luộc có mùi thơm đặc biệt và dễ chịu. Theo kinh nghiệm dân gian, lá dong non được dùng làm thuốc giải độc, chữa say rượu, rắn cắn. Liều dùng: 100-200 g lá giã nát, vắt lấy nước uống, dùng bã đắp ngoài.

Theo Phunutoday