Logo Bài Thuốc Quý

Tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ

01/01/2020 · Sức khỏe
Là một chuyên ngành của y học, phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) can thiệp làm thay đổi ngoại hình cơ thể và kết quả của nó cũng tác động sâu tới đời sống tinh thần của con người. Ngày nay, với những kỹ thuật tiên tiến và trang thiết bị hiện đại, PTTM có khả năng mang lại những kết quả tuyệt vời trong việc giữ gìn và phục hồi dáng vẻ thanh xuân cho cơ thể, nhưng nó cũng tiềm ẩn những nguy cơ tai biến như trong mọi chuyên ngành y học khác.

các tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ và cách là giảm tai biến

Vấn đề tai biến y khoa và tai biến phẫu thuật

Mặc dù y học ngày càng tiến bộ, đạt nhiều thành tựu kỳ diệu trong việc chăm lo sức khỏe con người nhưng những tai biến y học vẫn cứ xảy ra làm đau lòng thầy thuốc và gây hoang mang cho người bệnh. Dù cố gắng đến đâu y học cũng chỉ có thể giảm thiểu tai nạn chứ không thể loại trừ tuyệt đối.

Trong hoạt động y học nói chung và phẫu thuật nói riêng, các tai biến và rủi ro là khá thường gặp, trong PTTM chuyện này còn rắc rối hơn. Bởi vì các cuộc mổ thẩm mỹ là những phẫu thuật không cấp thiết, phẫu thuật lựa chọn (elective surgery) với mục đích chính là làm đẹp, nên nó liên quan nhiều đến yếu tố tâm lý tinh thần, có những yêu cầu rất cao về tính thẩm mỹ. Ngoài những nguy cơ tai biến như các loại phẫu thuật khác, nó còn rất dễ có những bất đồng trong việc nhận định đánh giá kết quả, vì như người ta nói “Cái đẹp ở trong mắt người nhìn” (Beauty is in the eye of beholder). Vì vậy, tai biến và kiện tụng trong PTTM có nguy cơ rất cao và những bác sĩ PTTM cũng chịu áp lực rất lớn trong nghề nghiệp của mình.

Việc tư vấn kỹ lưỡng và phục vụ tận tâm là những đòi hỏi thường xuyên với các phẫu thuật viên. Nhưng để giảm thiểu các tai biến không chỉ là công việc của bác sĩ mà còn phải có sự hợp tác hiệu quả từ bệnh nhân. Vì vậy, việc tuyên truyền phổ cập những kiến thức y học thông thường cho cộng đồng để mỗi bệnh nhân có thể hiểu rõ các nguy cơ và thông cảm với công việc của người thầy thuốc là việc rất quan trọng và hữu ích.

tai biến thường gặp trong phẫu thuật thẩm mỹ


Các tai biến và biến chứng trong PTTM

Trên thế giới, người ta xếp các tai nạn phẫu thuật vào trong các nhóm: bỏ quên dụng cụ trong người bệnh nhân; rạch đường mổ sai vị trí; mổ nhầm vào phần cơ thể không cần mổ; mổ khi không cần thiết phải mổ; tai biến do gây mê; tai biến khi phẫu thuật.

Riêng đối với PTTM, theo luật sư Johnie L. Cochran (Mỹ) ngoài những tai nạn như trong các phẫu thuật nói chung còn có những tai nạn đặc thù riêng: do cẩu thả của phẫu thuật viên (Negligence); hình thành sẹo xấu (Excessive scarring); người bệnh bị chấn thương tâm lý (Emotional trauma); dùng thuốc không đúng, gây ảnh hưởng xấu (Incorrect medication); tổn thương dây thần kinh, gây liệt cảm giác hoặc vận động (Nerve damage); kết quả thẩm mỹ xấu, người bệnh không hài lòng (Aesthetic damage).

Trong thực tế PTTM ở Việt Nam, chưa có những con số thống kê chính thức về tai biến, nhưng lâu lâu các phương tiện truyền thông lại đưa tin về một vụ tai nạn hoặc kiện tụng thẩm mỹ nào đó khiến dư luận xôn xao, khiến những người đang có ý định muốn đi làm đẹp phải do dự, lo âu. Những tai biến trong PTTM nếu có thường nằm trong các trường hợp sau:

Những tai biến trước phẫu thuật: phản ứng dị ứng với các loại thuốc trong quá trình chuẩn bị phẫu thuật; những rối loạn tim mạch, huyết áp do quá bồn chồn, lo lắng.

Những tai biến trong khi gây mê: phản ứng dị ứng với thuốc tê, thuốc mê; ngộ độc thuốc do dùng quá liều; sai sót khi thao tác đặt ống nội khí quản: chấn thương răng, không đặt đúng vào đường thở; mê quá nông hoặc quá sâu (độ mê không phù hợp với yêu cầu phẫu thuật).

Những tai biến trong khi phẫu thuật: chảy máu bất thường, không cầm được; tổn thương mạch máu, thần kinh; tổn thương các bộ phận lân cận.

Những tai biến biến chứng sau phẫu thuật: nhiễm trùng, ảnh hưởng không tốt đến quá trình liền sẹo; vết mổ lâu lành, dễ gây sẹo xấu; hình thành sẹo xấu hoặc sẹo bệnh lý (sẹo quá phát, sẹo lồi...); kết quả thẩm mỹ kém, bệnh nhân không hài lòng.

Đặc biệt, trong PTTM sự hài lòng của bệnh nhân là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá kết quả phẫu thuật. Bởi vì kết quả thẩm mỹ sẽ có tác đông to lớn tới đời sống tinh thần tâm lý người bênh, có thể làm cho họ vui vẻ, tự tin hơn hay làm cho họ thất vọng, buồn chán. Nhiều khi vấn đề hài lòng hay không hài lòng chính là nguyên nhân của những khiếu kiện trong PTTM mặc dù cuộc mổ diễn ra an toàn và kết quả sau mổ được coi là tốt về mặt chuyên môn. Sự lo lắng của bệnh nhân trước phẫu thuật cũng là chuyện đương nhiên và họ cần nhận được sự chia sẻ, cảm thông của thầy thuốc. Việc họ yêu cầu có được kết quả thẩm mỹ như họ kỳ vọng sau phẫu thuật là một yêu cầu hoàn toàn chính đáng và nhân văn. Bởi vì họ đến với bác sĩ để làm đẹp, với khát khao được đẹp hơn và trao gửi cho bác sĩ tất cả niềm tin và hy vọng. Người bác sĩ phải đủ khả năng để đánh giá và tiên lượng kết quả ở mức tốt nhất để nếu nhận trách nhiệm làm đẹp thì sẽ làm cho họ được hài lòng. Làm thế nào để một ca PTTM đảm bảo an toàn cao nhất với kết quả hài lòng nhất luôn luôn là mục tiêu phấn đấu của người bác sĩ thẩm mỹ trong suốt sự nghiệp của mình.

Những biện pháp để giảm tai biến trong PTTM

Về phía thầy thuốc: Coi bênh nhân như người ruột thịt để phục vụ tận tâm; Luôn học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn; Luôn kiểm tra và bổ sung trang thiết bị đạt chất lượng và hiệu quả; Thận trọng tỉ mỉ trong từng thao tác để hạn chế tối đa sai sót; Khám xét đánh giá thận trọng động cơ, yêu cầu làm đẹp của bệnh nhân; Luôn luôn phải trao đổi kỹ với bệnh nhân về những lợi ích và những nguy cơ tai biến có thể xảy ra khi làm PTTM; Chỉ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân khi thực sự cần thiết; Chỉ nhận làm khi tin chắc hoàn toàn ở khả năng tay nghề của mình; Phải luôn dự phòng và sẵn sàng xử lý kịp thời, chính xác mọi tai biến; Luôn đặt sự an toàn của bệnh nhân cao hơn tất cả; Lấy sự hài lòng của bệnh nhân làm thước đo kết quả.

Về phía bệnh nhân: Phải xác định đúng đắn động cơ khi đi làm đẹp (tự mình biết rõ mình muốn gì và không a dua theo người khác); Phải tìm hiểu thông tin trên các phương tiện truyền thông để hiểu rõ khả năng cũng như hạn chế của PTTM; Phải tìm kiếm thông tin qua các phương tiện truyền thông, qua bạn bè để biết được bác sĩ nào và cơ sở y tế nào có thể đáp ứng tốt nhất yêu cầu của mình; Phải tham vấn bác sĩ kỹ lưỡng về mọi vấn đề liên quan, kể cả những rủi ro có thể xảy ra; Khi đã an tâm tin tưởng thì phải tuân thủ những hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ cả trước và sau phẫu thuật; Khi nghe đọc các quảng cáo thẩm mỹ phải tỉnh táo suy xét và đánh giá, không nhẹ dạ cả tin; Chỉ nên phẫu thuật làm đẹp khi đã thực sự hiểu về phẫu thuật mình sẽ làm, hoàn toàn tin tưởng bác sĩ phẫu thuật và yên tâm về cơ sở y tế mình sẽ đến; Nên tìm hiểu để biết được nhiều nhất những khía cạnh chuyên môn và pháp lý của cuộc phẫu thuật để đánh giá đúng kết quả công việc của bác sĩ sau phẫu thuật và nếu có băn khoăn thắc mắc cũng sẽ biết đặt vấn đề chính xác và có lý có tình.

Đây cũng là những lời khuyên dành cho cả bác sĩ PTTM và bệnh nhân, những người có nhu cầu làm đẹp. Kiến thức khoa học và sự chân thành là những điều kiện để sự giao tiếp giữa thầy thuốc và bệnh nhân trở nên thấu hiểu và thân thiện. Phải đặt mình vào vị trí của người đi làm đẹp, các bác sĩ mới hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ và cảm thông với những thắc mắc và lo âu của họ. Sự hiểu biết và tin cậy giữa bác sĩ và bệnh nhân sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tư vấn và lựa chọn quyết định đúng đắn, tránh những cuộc phẫu thuật không thực sự cần thiết. Khả năng chuyên môn cao, tay nghề tài hoa và sự tận tâm của bác sĩ sẽ đảm bảo cho một cuộc phẫu thuật an toàn, không tai biến. Một kết quả thẩm mỹ làm hài lòng bệnh nhân luôn là đích phấn đấu của người bác sĩ PTTM. Cũng như mọi người thầy thuốc, người bác sĩ PTTM phải luôn nhớ rằng người thầy thuốc không phải là doanh nhân và bệnh nhân không phải là khách hàng để hành nghề trong sự tin tưởng và tôn trọng của  mọi người, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”.    

Theo Sức khỏe & Đời sống