Logo Bài Thuốc Quý

Tác dụng chữa bệnh của sắn dây

01/01/2020 · Sức khỏe
Bột sắn dây, của sắn dây hẳn rất quen thuộc với mọi người, bột sắn dây không chỉ là nước uống giải khát mùa hè mà nó còn có nhiều vị thuốc rất tốt cho sức khỏe.

Hầu hết các bộ phận của cây sắn dây đều được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Song bộ phận dùng tốt nhất là rễ (hoặc củ) được thu hoạch vào mùa đông, xuân. Củ đào rửa sạch đất cát, bỏ lớp vỏ ngoài, cắt khúc hoặc thái lát, sau đó phơi hoặc sấy khô, trong đông y gọi là cát căn.

Tác dụng chữa bệnh của củ sắn dây

Củ sắn dây



Theo Đông y, củ sắn dây có vị ngọt, mát, tính bình, đi vào kinh tỳ, vị, phế, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, trừ phiền nhiệt, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc. Thường dùng trong các trường hợp tiêu khát (đái tháo đường), cơ thể nóng nực, ngực bụng nóng bức muốn phát cuồng, nôn mửa, lỵ ra máu, tiểu trường không thông lợi và ngộ độc rượu.

Tác dụng chữa bệnh của bột sắn dây

1. Chữa cảm sốt phong nhiệt, nhức đầu, mụn nhọt

Ngày dùng 12 -30gr sắn dây khô, sắc uống. Hoặc dùng 10 -16gr bột, pha với nước sạch để uống.

2. Viêm họng, viêm thanh quản cấp tính

Dùng dây sắn đốt chưa cháy hoàn toàn rồi đem tán bột, uống với nước.

3. Vùng ngực bụng nóng cồn cào, khát nước

Bột sắn dây 120g, gạo tẻ 15g. Gạo tẻ ngâm nước một đêm, chắt bỏ nước, trộn đều với bột sắn dây, nấu cháo ăn trong ngày.

Tác dụng chữa bệnh của bột sắn dây

Bột sắn dây

4. Trẻ em bị rôm sảy do nhiệt độc của mùa hè

Bột sắn dây pha nước sôi cho chín, để nguội rồi cho uống giải khát hằng ngày.

5. Vết thương chảy nhiều máu

Dùng lá sắn dây tươi giã nát, đắp vào vết thương.


6. Trị mụn trứng cá, mụn nhọt

Có thể dùng củ sắn dây 40gr, đậu xanh 20-30gr, hai thứ rửa sạch, nấu nước để uống hằng ngày.


7. Chảy máu mũi thường xuyên

Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy nước cốt, uống mỗi lần 1 cốc.


8. Trị viêm họng

Ngày dùng 12-16g thân sắn dây sắc uống. Nếu dùng ngoài thì đốt tồn tính, tán bột, bôi vào chỗ đau hoặc hoà với nước sạch ngậm chữa viêm họng.


9. Trẻ nhỏ cảm lạnh, nôn mửa

Sắn dây 30g giã nát, gạo tẻ 50g. Sắn dây sắc với 2 bát nước lớn, đun cạn còn 1 bát, chắt lấy nước nấu cháo với gạo, thêm chút gừng sống và mật ong, cho trẻ ăn trong ngày.

10. Ngộ độc thức ăn

Củ sắn dây tươi, ngó sen tươi 2 thứ giã nát, vắt lấy 500ml nước cốt mỗi thứ, hòa đều, uống dần.


11. Trị rắn cắn

Có thể lấy giã lá sắn dây tươi vắt lấy nước uống, bã đắp lên nơi rắn cắn, sau đó chuyển gấp đến bệnh viện gần nhất.


12. Trị cảm mạo, sốt, không mồ hôi

Sắn dây 8g, ma hoàng 5g, quế chi 4g, đại táo 5g, thược dược 4g, sinh khương 5g, cam thảo 4g; cho 600ml nước, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.


13. Cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu, nôn ọe

Bột sắn dây 12g hòa đường uống; hoặc dùng sắn dây 20g, đậu ván 12g, giã dập, sắc nước uống trong ngày.


14. Giải rượu

Cho uống nước vắt từ củ sắn dây (đã gọt vỏ và rửa sạch), thêm ít muối. Hoặc dùng bột sắn dây khuấy với nước sôi, thêm ít muối để ăn.



15. Thanh nhiệt cơ thể

Trong những ngày hè nắng nóng, uống hỗn hợp bột củ sắn dây đem pha với nước lọc, đường, chanh có tác dụng làm mát “nội thất” phía trong cơ thể một cách tốt nhất.

Sắn dây có nhiều tác dụng, tuy nhiên, các thầy thuốc khuyến cáo những người có dương khí hư với các triệu chứng: Đại tiện lỏng, bụng đầy trướng, lạnh bụng, tay chân thường lạnh, không khát nước, miệng nhạt, sắc mặt vàng tái… không nên dùng sắn dây.

Theo Giaoduc.net.vn