Loại cây hút khí độc trong nhà
Không khí nhiễm bẩn có ở ngay chính ngôi nhà của bạn và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ. Hãy lọc sạch khí độc
Để không khí trong lành mát mẻ bằng cách đặt các loại cây hút khí độc, khí ô nhiễm sau trong nhà:
Cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ rất quen thuộc, và thực sự sẽ gây ngộ độc nếu bạn ăn vào. Ngược lại, nó cũng có tác dụng giải độc, vì lọc được các khí như formaldehyde. Cây dễ sống, do vậy phù hợp với người ít có thời gian chăm sóc. Vì formaldehyde bay hơi chủ yếu từ các sản phẩm vệ sinh cá nhân, nên cây lưỡi hổ sẽ có hiệu quả nhất khi đặt trong nhà tắm.
Cây lưỡi hổ.
Nha đam (Aloe vera)
Nha đam nổi tiếng nhất với khả năng làm lành vết thương. Gel trong lá cây này có thể làm dịu vết bỏng, vết cắt, vết côn trùng đốt và các dạng kích ứng da khác. Nhưng nó còn có tác dụng làm sạch không khí. Nha đam dễ dàng hấp thu benzen và formaldehyde. Cây mọc tốt khi có nắng, vì vậy hãy để nơi cửa sổ có nắng chiếu tới.
Cây nha đam (Lô hội)
Cây cọ cảnh
Cây lọc được cả benzen và formaldehyde cũng như trichloroethylene – hóa chất dùng trong quá trình giặt khô. Vì thế, nó thích hợp để đặt trong phòng giặt khô, hoặc phòng có nhiều đồ có thể giải phóng formaldehyde, chẳng hạn phòng ngủ hoặc phòng khách.
Cây cọ cảnh.
Cây huệ bình (lan Ý)
Loài cây này đứng đầu bảng trong danh sách các loài cây lọc sạch không khí của cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA). Không chỉ hấp thụ formaldehyde, benzen và trichloroethylene, nó còn hấp thụ cả xylene và toluene – hóa chất tìm thấy trong dầu hỏa. Cây sống được trong bóng râm và chỉ cần tưới nước tuần một lần, vì thế là lựa chọn tốt cho những người không có thời gian. Vì hấp thụ được nhiều hóa chất, nên nó có thể đặt ở bất cứ đâu trong nhà.
Cây huệ bình.
Cây Xương Rồng Càng Cua
Ở phương tây, loài cây này được biết đến dưới cái tên Christmas Cactus – cây xương rồng cho lễ Giáng sinh. Dáng đẹp, chịu được thời tiết khắc nghiệt( vì là chủng xương rồng), nó có khả năng loại trừ chất formaldehyde có trong đồ gỗ hay bàn ghế tủ trong nhà. Trái với quy luật như những loài cây khác, loại cây này chỉ nhả ôxi về đêm nên khuyến khích để trong phòng ngủ hay phòng xem tivi.
Cây xương rồng càng cua.
Cây Sung Cao Su
Cây có lá to, tròn dai như cao su, mọc cao 2,4m, chịu được trong râm hoặc ngoài nắng. Cây có khả năng hấp thụ tốt nhất độc tố formaldehyd, đồng thời trung hòa formol thường có trong keo dán, các lớp cách nhiệt, tăng độ ẩm không khí. Thích hợp đặt trong văn phòng lớn, phòng họp, tiếp khách, tổ chức tiệc hay ngoài sân vườn…
Thiết mộc lan
Đây là cây có lá mọc thành hình nơ (hoa thị), phiến lá có sọc rộng nhạt màu hơn và ngả vàng ở phần trung tâm.
Thiết mộc lan có thể hút khí toluen và khí CO.
Cây ngũ gia bì
Có tên khác là xuyên gia bì, cao 2 – 3m, nhiều lá, thân trắng, vỏ dày. Vỏ cây có thể được dùng làm thuốc.
Ngũ gia bì có khả năng hấp thụ khí toluen sau 24h tiếp xúc là 0,7µg/cm2 và 1,2µg/cm2 sau 72h tiếp xúc.
Cây ngũ gia bì.
Thực tế đã chứng minh rằng, cây được đặt gần bàn làm việc sẽ góp phần tăng hiệu suất làm việc, giúp thư giãn, góp phần phát huy tính sáng tạo.
Mặt khác, khi trồng cây cần lưu ý không tự tiện ngắt lá để nhai, ăn. Chú ý không đặt cây xanh hút khí oxi, thải khí cacbonic về đêm trong phòng ngủ.