Logo Bài Thuốc Quý

Dùng thuốc bổ sai cách gây hại cho trẻ

01/01/2020 · Sức khỏe
Rất nhiều ông bố, bà mẹ thấy con biếng ăn, chậm lớn thì thường lo lắng và đi mua các loại thuốc bổ về cho trẻ uống, tuy nhiên theo các bác sĩ, điều này không đúng. Thậm chí nếu dùng bừa bãi thuống bổ sẽ gây hại cho trẻ.

Theo các dược sĩ khoa Dược, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), thuốc bổ, hay còn gọi là đa sinh tố, là hỗn hợp chứa nhiều hơn một vitamin, có thể kèm thêm khoáng chất và các chiết xuất thảo dược. Tuy nhiên nếu dùng sai cách, thuốc bổ chẳng những không giúp ích mà còn có hại.

Cụ thể, khi thấy trẻ thấp còi, sợ xương của bé phát triển không tốt, phụ huynh mua Calci về cho con uống nhưng không biết uống Calci liều cao, kéo dài có thể dẫn đến sỏi thận, làm giảm hấp thu của các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magiê, phốt pho.

Thuốc bổ, uống thuốc bổ sai cách

Cho rằng “thuốc bổ không có hại” là cách nghĩ sai lầm của rất nhiều phụ huynh.

Một số bà mẹ sợ con thiếu máu, muốn bé được bổ máu thì mua các viên tổng hợp để bổ sung chắt sắt, song loại thuốc bổ này nếu uống quá liều hoặc kéo dài sẽ khiến trẻ dễ bị táo bón.

Các loại vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K thì có thể gây ngộ độc vì khi sử dụng dồn dập bởi chúng không thải kịp mà tích lũy ở gan gây hại. Ngộ độc vitamin A có thể gây tăng áp lực nội sọ, vitamin D có thể dẫn đến táo bón cho trẻ.

Một số vitamin khác có thể gây độc cấp hoặc thậm chí sốc phản vệ như quá liều vitamin C có thể gây sỏi thận, dị ứng với vitamin nhóm B (B1, B6, B12), có thể gây mày đay thậm chí sốc phản vệ.

Cũng theo các dược sĩ, khi cho trẻ dùng thuốc bổ không đúng cách, các bé còn có thể bị rối loạn tiêu hóa dẫn đế đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Một số bé bị biếng ăn (do mất thăng bằng chất dinh dưỡng), hoặc chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ. Nếu các biểu hiện này nặng dần hoặc kéo dài, cha mẹ nên đưa bé ngay đến bác sĩ để được thăm khám và cho cách xử trí hợp lý.

Lời khuyên của các bác sĩ là không nên tùy tiện dùng thuốc bổ cho bé. Các bà mẹ nên hỏi ý của bác sĩ chuyên khoa cách dùng như thế nào, dùng trong bao lâu và liều lượng ra sao.

Ngoài ra, phụ huynh cần cung cấp cho bác sĩ biết về các thông tin về những loại thuốc trẻ đang sử dụng, đặc biệt là thuốc chống đông như Wafarin có thể gây nhiều phản ứng. Cũng cần tránh những loại thuốc điều trị và thuốc bổ mà trẻ từng bị dị ứng khi sử dụng trước đây

Nên dùng thuốc bổ cho bé trong trường hợp trẻ không thể ăn (trẻ bệnh) hoặc không chịu ăn (biếng ăn, không thích ăn thức ăn giàu vitamin). Trẻ với chế độ ăn hợp lý sẽ có lượng vitamin cần thiết cho cơ thể nên không cần phải dùng thêm thuốc bổ.

Thường nên uống vào ban ngày và tốt nhất là buổi sáng. Các viên vitamin đơn lẻ có thể uống trước hay sau ăn đều được. Riêng các viên đa sinh tố (multivitamin) nên uống sau ăn thì sẽ ít khó chịu hơn.

Thuốc bổ ở dạng lỏng thường có kèm theo dụng cụ để đo lượng thuốc (ống hoặc muỗng có chia vạch ml, ống nhỏ giọt), phụ huynh nên sử dụng dụng cụ đó để đong thuốc cho trẻ.

Một số thuốc có hình dáng, mùi vị như kẹo nên cần để xa tầm với của trẻ, đối với trẻ lớn nên nói cho bé biết đó là thuốc, không phải kẹo để tránh để tự tiện dùng quá liều.

Theo Mr True/Ngoisao.net
BÀI VIẾT LIÊN QUAN