Logo Bài Thuốc Quý

Bài thuốc nam giúp điều trị bệnh sốt xuất huyết

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra rất nhiều tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện: Sốt + xuất huyết. Xuất huyết (chảy máu) ở da và niêm mạc (miệng, mũi), cơ quan nội tạng. Dưới đây là một số bài thuốc nam giúp điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Tính đến cuối tháng 3-2015, trên cả nước có gần 7.000 ca sốt xuất huyết (SXH) tại 39 tỉnh, TP (chủ yếu ở phía Nam) và 6 ca tử vong. Riêng tại TP HCM, đã có 19 phường, xã có ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện điều trị.

Ngày nay, bệnh sốt xuất huyết không còn xa lạ đối với mọi người. Ngay tên bệnh đã nói lên điều đó: Sốt + xuất huyết. Xuất huyết (chảy máu) ở da và niêm mạc (miệng, mũi), cơ quan nội tạng.

Tùy mức độ nặng nhẹ mà bệnh được chia thành 4 giai đoạn. Ở giai đoạn 3, 4 (sốc và sốc nặng) thì phải điều trị tây y. Khi bệnh còn ở mức độ nhẹ (1, 2), chúng ta có thể hỗ trợ điều trị bằng thuốc nam nhưng vẫn phải nhập viện, bởi lẽ, bệnh sốt xuất huyết cần được theo dõi sát dù ở mức độ nhẹ để đề phòng bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn (sốc).

Sốt xuất huyết, bài thuốc chữa sốt xuất huyết

Ảnh minh họa – Internet

Năm 1969, Viện Đông y – Bệnh viện quận Đống Đa (Hà Nội) đã dùng cây nhọ nồi chống dịch sốt xuất huyết trên 230 bệnh nhân nội trú. Kết quả khỏi bệnh 99,6%. Vào những ngày đầu giải phóng năm 1975, dịch sốt xuất huyết xảy ra ở nhiều tỉnh, TP, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Thuốc tây và dịch truyền tĩnh mạch lúc đó rất hiếm, chỉ dựa vào thuốc nam để góp phần dập nhanh các ổ dịch, hạn chế tử vong. Lúc đó, các dược sĩ và y – bác sĩ Viện Quân y 13, Quân khu 5 đã sử dụng có hiệu quả mấy bài thuốc nam để điều trị bệnh sốt xuất huyết. Xin giới thiệu sau đây 2 bài thuốc nam căn bản hỗ trợ điều trị bệnh sốt xuất huyết ngay khi bệnh mới phát:

- Bài 1: Cỏ nhọ nồi 30 g, rau má (hoặc cỏ mần trầu) 30 g, mã đề (lá và bông) 20 g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm, đổ ngập nước, sắc lấy nước uống.

- Bài 2: Kim ngân hoa 16 g, rễ cỏ tranh 20 g, cỏ nhọ nồi 16 g, hoa hòe 16 g, chi tử 8 g. Ngày 1 thang, sắc uống 2-3 lần.

Trong các cây thuốc nam nói trên, đáng chú ý là cỏ nhọ nồi và hoa hòe. Không được dùng cỏ nhọ nồi cho người có rối loạn chức năng đại tràng, đại tiện phân sống, phân loãng, đầy bụng, chậm tiêu.

Bác sĩ Ngô Văn Tuấn

Theo nld.com.vn