Trị tăng huyết áp với hoa hòe
Hoa hòe
Đông y gọi hoa hòe là hòe mễ, mễ là hạt gạo, ý nói vị thuốc từ hoa hòe, có kích thước chỉ bằng hạt gạo, nghĩa là còn ở dạng nụ hoa, mới được dùng làm thuốc. Do vậy, ta phải thu hái hoa hòe, ngay từ khi nó còn là nụ hoa, là như vậy.
Sau khi thu hái hoa hòe, người ta tuốt lấy nụ hoa, nhặt bỏ các cành con và lá còn sót lại, rồi đem sao. Do hoa hòe có giá trị, nên một số người đã làm giả mạo nụ hòe bằng cách, lấy những cành hòe nhỏ, có kích thước gần bằng nụ hoa, đem thái nhỏ, rồi trộn lẫn vào vị thuốc. Do đó đã làm giảm giá trị chữa bệnh của hoa hòe.
Theo YHCT, hoa hòe có vị đắng nhẹ. Tính hơi hàn. Quy kinh can, đại tràng, có công năng lương huyết, chỉ huyết, dùng trong các trường hợp huyết nhiệt, gây xuất huyết, như chảy máu cam, lỵ, trĩ ra máu, đại tiểu tiện ra máu. Phụ nữ băng kinh, băng huyết. Trên thực tế, hoa hòe có thể sử dụng dưới nhiều hình thưc khác nhau.
Tác dụng của hoa hòe
Hoa hòe được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
- Cầm máu, ngăn ngừa sự xơ vữa các động mạch… phòng và trị chứng tăng huyết áp, hoặc niêm mạc miệng, lưỡi bị lở loét: có thể dùng hoa hòe sao vàng, hãm uống. Ngày 4 - 6g.
- Với trường hợp hay bị xuất huyết, chảy máu cam, xuất huyết dưới da, dùng hoa hòe sao đen (đem hoa hòe sao nhỏ lửa tới khi toàn bộ bên ngoài hoa có mầu đen, bên trong vẫn còn mầu vàng), hãm với nước sôi, uống ấm, ngày nhiều lần. Có thể phối hợp với một số vị thuốc cầm máu khác, như trắc bách diệp, lá sen, cỏ nhọ nồi, huyết dụ, địa du, mỗi vị 6g (đều sao cháy), sắc uống, ngày một thang. Uống liền một vài tuần lễ.
Trong Đông y, thường dùng bài cổ phương hòe hoa tán gồm: hòe hoa 12g, trắc bách diệp 12g, kinh giới tuệ 12g, chỉ xác 12g. Phương thuốc này, cho hiệu quả tốt, đối với các trường hợp xuất huyết: Trĩ huyết, đại tiểu tiện ra huyết, chảy máu cam…, hoặc vừa có ứ huyết vừa xuất huyết: Chấn thương, sưng đau, và chảy máu. Dùng dưới dạng thuốc bột, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 6-8 g với nước ấm.
Hoa hòe còn được dùng để làm thuốc xông hơi và ngâm rửa khi bị trĩ gây đau đớn: hoa hòe, chỉ xác, mỗi vị 20g, ngải cứu 40g, phèn chua 20g, cho vào nồi, thêm nước sạch, bịt kín nồi bằng lá chuối tươi, đun sôi 10 phút. Chọc một lỗ nhỏ, xông nhẹ vào nơi bị trĩ. Sau đó để nước ấm, rồi ngâm, rửa các búi trĩ, sẽ giảm được đau đớn và nhanh khỏi.
Ngoài hoa hòe ra, người ta còn dùng một số bộ phận khác của cây hòe, cũng dùng làm thuốc như quả hòe, còn gọi là hòe giác, có vị đắng, tính hàn. Quy kinh can, đại tràng; có công năng thanh can đởm, trừ phong, lương huyết, dùng sắc uống trong các trường hợp tỳ vị nhiệt, chảy nhiều dãi, trị mụn nhọt, phụ nữ bị nhọt vú, hoặc trị tăng huyết áp, trị di, mộng tinh. Hoặc lá hòe, dùng lá tươi, sắc đặc tắm khi bị ngứa, lở, dị ứng. Hoặc đem lá hòe, đồ chín, phơi khô, sắc uống hàng ngày, trị mắt bị mờ.