Tác dụng của Quất hồng bì
Quất hồng bì còn gọi là hoàng bì, quất bì (dễ nhầm với quất làm cảnh). Tên khoa học: Clausena lansium (Lour.) Skeels, thuộc họ cam quýt. Đây là loại cây thân gỗ, cao khoảng 3 đến 5 m, thường mọc hoặc được trồng từ Hà Tĩnh trở ra Bắc, tới miền Nam Trung Quốc.
Bộ phận làm thuốc gồm: quả (được bổ dọc, phơi khô gọi là quất bì hay hồng bì); hạt của quả chín phơi khô, lá, vỏ rễ phơi khô.
Một số thí nghiệm cho thấy, cao chiết từ lá hồng bì có tác dụng chống co thắt trên hồi tràng chuột nhờ hoạt chất lasimit; kìm hãm một vài chủng ký sinh trùng sốt rét và diệt ký sinh trùng đường ruột. Ngoài ra, cao khô chiết suất bằng methanol có tác dụng kháng khuẩn: tụ cầu vàng (Staphylococus aureus) và vi khuẩn đường ruột E.coli. Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh quất hồng bì điều trị các chứng bệnh lỵ amíp, trực trùng (phối hợp với khổ luyện tử, hòe hoa) cho kết quả tốt hơn tân dược (ganidan, tetracyclin).
Y học cổ truyền dùng nhiều bộ phận của quất hồng bì làm thuốc. Hạt và vỏ rễ cây vị đắng, cay, tính ấm, có tác dụng giảm đau và lợi tiêu hóa. Dân gian thường dùng nó trị đau dạ dày, đau thượng vị hoặc do co thắt ống tiêu hóa, phụ nữ sau đẻ. Lá quất hồng bì được dùng trong các chứng cảm mạo, sốt, hỗ trợ điều trị sốt rét, gội đầu để sạch gàu, trơn tóc. Quả dùng cho người tiêu hóa kém, buồn nôn, ho kéo dài (nếu ho cấp tính do nhiễm trùng, cần phối hợp kháng sinh; nếu ho do lao thì phải điều trị thuốc chuyên khoa).
Để kích thích tiêu hóa và phòng bệnh cho phụ nữ sau đẻ, có thể lấy vỏ thân hoặc rễ quất hồng bì 30 g, rễ sử quân 20 g, quả khế chua 20 g. Các vị sao vàng, sắc đặc, chia uống nhiều lần trong ngày. Có thể dùng trong nhiều ngày.