Logo Bài Thuốc Quý

Khi nào không nên uống trà xanh?

01/01/2020 · Sức khỏe
Trà xanh (chè xanh) có nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng uống trà xanh không đúng sẽ phản tác dụng, hãy xem khi nào không nên uống trà xanh để tránh gặp phải các vấn đề sức khỏe nhé.

1. Sốt

Chất caffeine trong lá chè xanh không chỉ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, mà còn làm giảm công hiệu của thuốc. "Hít le" nước chè ngay trong trường hợp này bạn nhé .

2. Bệnh gan

Những người mắc bệnh gan, nếu uống quá nhiều nước chè sẽ khiến sự trao đổi chất của gan bị quá tải. Đặc biệt là chất caffeine có trong lá chè xanh, nhân tố dễ gây tổn thương các mô gan.

Khi nào không nên uống trà xanh?

Người bị bệnh gan không nên uống quá nhiều trà xanh.


3. Suy nhược thần kinh

Chất caffeine trong lá chè xanh có tác dụng làm hưng phấn khu thần kinh. Vậy nên những người bị suy nhược thần kinh mà uống nước chè, đặc biệt là buổi trưa và tối, sẽ dẫn đến mất ngủ, gia tăng tình trạng bệnh.

Nếu bạn thực sự thích uống trà, bạn chỉ nên uống trà hoa vào buổi sáng, một ít nước lá chè xanh vào buổi trưa, buổi tối không uống.


4. Mang thai

Hàm lượng caffeine, fenola có nhiều trong lá chè xanh - nhân tố bất lợi cho sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Để trí lực của thai nhi phát triển bình thường, bạn nên tránh sự kích thích quá mức của caffeine, tốt nhất không nên uống hoặc uống ít.


5. Vết loét

Trà là thức uống kích thích tiết dịch axit dạ dày. Do vậy, uống nước chè có thể khiến dịch axit dạ dày tăng cao, từ đó kích thích vết loét, thúc đẩy bệnh tình biến hóa theo chiều hướng xấu đi.

Với người mắc bệnh ở mức độ nhẹ, có thể uống nước chè sau 2 tiếng uống thuốc, cho thêm ít đường đỏ, để trợ giúp tiêu viêm và bảo vệ niêm mạc dạ dày.


6. Dinh dưỡng không đủ

Lá chè xanh có chức năng phân giải chất béo. Bởi vậy, những người cơ thể vốn đã "nhỏ gầy", dinh dưỡng không đủ, lại uống nước chè xanh, càng dễ khiến cơ thể rơi vào trạng thái "suy dinh dưỡng".


7. Dùng nước chè uống thuốc

Thuốc có nhiều chủng loại, tính chất khác nhau. Trong khi, chất tannin, theophylline trong lá chè lại có phản ứng hóa học (bất lợi) với một số loại thuốc nhất định, như thuốc an thần, thuốc bổ máu, thuốc có chứa hàm lượng protein…

Tuy nhiên khi uống thuốc vitamin, lá chè xanh lại không gây ảnh hưởng gì, bởi polyphenol trong lá chè xanh có thể thúc đẩy vitamin C tích lũy và hấp thụ trong cơ thể một cách tốt hơn.


8. Thiếu máu

Tannin trong lá chè có thể kết hợp với sắt tạo thành hợp chất không hòa tan, khiến cơ thể gần như không nhận đủ được nguồn sắt thiết yếu. Bởi vậy, người mắc bệnh thiếu máu không nên uống nước chè.

Theo VnExpress