Bài thuốc chữa bệnh từ cây màng tang
Hoa nhỏ khác gốc, màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở nách lá. Quả mọng hình tròn hay hình trứng khi chín màu đen, mùi rất thơm. Hoa tháng 1 – 3, quả tháng 4 – 9.
Cây mọc hoang ở vùng rừng núi cao như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Kon Tum, Lâm Ðồng và đã được trồng ở một số nông trường để làm cây che bóng cho chè, có nơi dùng lấy quả để cất tinh dầu. Trồng bằng hạt vào mùa xuân. Thu hái quả vào mùa hè – thu, rễ và lá thu hái quanh năm.
Theo Đông y, màng tang có vị cay, đắng, tính ấm; có mùi thơm của sả; có tác dụng tán phong hàn, ôn trung hạ khí, trừ thấp giảm đau. Thường dùng trị ngoại cảm, nhức đầu, phong thấp đau nhức xương, đầy hơi, ăn uống không tiêu, mụn nhọt,… Liều dùng: Rễ 15 – 30g, dạng thuốc sắc, quả 3 – 10g dạng thuốc sắc, lá tươi dùng giã nát đắp.
Quả màng tang.
Ðơn thuốc có sử dụng màng tang:
Bài 1: Cảm mạo phong hàn: Lá màng tang, lá bưởi, lá sả, cây bạc hà (hoặc kinh giới, tía tô), mỗi thứ một nắm nấu nước để xông.
Bài 2: Đầy bụng, đau bụng phân lỏng do ăn thức ăn sống lạnh: Quả màng tang, rễ xuyên tiêu, rễ cúc áo hoa vàng, rễ kim sương, rễ chanh, mỗi vị 30g, sắc đặc lấy nước chia 2 lần ăn trong ngày. Dùng liền 5 ngày.
Bài 3: Tỳ vị kém, ăn kém, tiêu hóa kém, đầy bụng: Quả màng tang 10g, gừng 5g, trần bì 5g, thủy xương bồ 5g, sắc uống ngày 1 lần. Dùng 3 – 5 ngày.
Bài 4: Căng cơ do vận động nhiều: Lá màng tang 20g, bạc hà 4g, hương phụ 4g, ngũ gia bì gai 20g, tiên mao 16g, đều dùng thuốc tươi, giã nhuyễn, thêm rượu trắng bó vào chỗ đau khoảng 3 giờ, ngày thay thuốc 1 lần.
Bài 5: Viêm xoang mũi dị ứng (Dễ hắt hơi sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, đau mỏi gáy khi thời tiết thay đổi): Lá màng tang 60g, viễn chí 100g, lá ngải cứu 60g, đều dùng tươi, nấu với nước pha âm ấm, tắm thuốc ngày 1 lần, làm 7 ngày liên tiếp.
Bài 6: Đau nhức xương do thay đổi thời tiết: Rễ màng tang 30g rửa sạch, đổ 500ml nước sắc nhỏ lửa còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày, 5 ngày một liệu trình.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy