Logo Bài Thuốc Quý

Bài thuốc cho trẻ bị còi xương

01/01/2020 · Sức khỏe
Còi xương do thiếu vitamin D làm cho chuyển hóa canxi và photpho bị rối loạn dẫn đến quá trình sinh trưởng của hệ xương bị trở ngại.

Còi xương là tình trạng bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh phát sinh do thiếu vitamin D làm cho chuyển hóa canxi và photpho bị rối loạn dẫn đến quá trình sinh trưởng của hệ xương bị trở ngại, thậm chí có thể gây nên biến dạng xương.

Trong y học cổ truyền, còi xương thuộc phạm vi các chứng như “ngũ trì ngũ nhuyễn”, “quy hung quy bối”, “hãn chứng”, “cam chứng”, “bộ phận giải lư”...

Người xưa cho rằng trẻ bị còi xương có thể do bẩm thụ các yếu tố từ cha mẹ không đủ (tiên thiên bất túc) hoặc do quá trình nuôi dưỡng kém điều hòa (hậu thiên thất điều) làm cho hai tạng tỳ và thận bị hư tổn. Thận chủ xương tủy, tỳ chủ cơ nhục, tỳ thận hư yếu khiến cho cơ xương mềm yếu, kém vững chắc và dễ bị biến dạng.

Để điều trị căn bệnh này, người xưa rất chú trọng việc sử dụng các thực phẩm và vị thuốc chế biến thành những món ăn rất đơn giản nhưng lại được trẻ dễ chấp nhận, vừa đạt hiệu quả trị liệu vừa cung cấp các chất dinh dưỡng lại rất rẻ tiền và dễ kiếm. Xin được dẫn ra dưới đây một số ví dụ điển hình:

Trứng gà, trứng gà ta


- Trứng gà tươi vài quả, rửa sạch, đập lấy vỏ rồi sao vàng tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày uống 1 - 2 lần, mỗi lần 5g với nước cháo.

- Chân con cua 100g rửa sạch, sao vàng tán bột, mỗi ngày cho trẻ uống 5g với nước cháo.

- Trứng gà 1 quả, rửa sạch, luộc chín rồi bóc lấy lòng đỏ, dùng thìa nghiền nhỏ rồi hòa với cháo, ăn nóng.

- Hến 10 con rửa sạch, đánh đều với 1 quả trứng gà rồi hấp cách thủy, ăn nóng.

- Đầu tôm tươi lượng tùy ý, sắc lấy nước uống.

- Xương sụn lợn 500g rửa sạch hầm nhừ với 50g đậu tương rồi cho trẻ ăn làm vài lần với lượng thích hợp.

- Cá trắm đen 1 con, làm sạch (chú ý bỏ hết mật) rồi cắt khúc, xào qua với gừng tươi, hành và một chút dầu thực vật rồi đổ nước hầm thật nhừ, chế đủ gia vị, chia ăn nhiều lần.

- Hà thủ ô 100g, ngưu tất 100g ngâm với rượu trắng trong 7 ngày rồi lấy ra phơi khô, sao thơm tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi lần lấy 5 quả đại táo, khía dọc bỏ hột rồi cho bột thuốc vào trong, đem hấp cách thủy cho chín rồi ăn trong ngày.

- Ô tặc cốt 15g, quy bản 15g, tây thảo 5g. Tất cả sắc kỹ lấy nước, bỏ bã rồi hòa với một chút đường đỏ chia uống vài lần.

- Quy bản 15g, cốt toái bổ 15g, đẳng sâm 10g. Tất cả đem sắc kỹ trong 1 giờ rồi lọc lấy nước, hòa với một chút đường đỏ chia uống vài lần.

- Hoàng kỳ sao 60g, nhân sâm 5g, gạo tẻ 150g. Đem hoàng kỳ và nhân sâm sắc kỹ lấy nước rồi cho gạo vào ninh thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.

- Quy bản 30g, chân gà 2 đôi, hồ đào 10g. Quy bản và chân gà chặt vụn, sắc kỹ lấy nước rồi cho hồ đào vào nấu nhừ, nêm đủ muối và gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

- Long cốt 30g, mẫu lệ 20g, sơn thù 10g, gạo tẻ 100g. Các vị thuốc đem sắc kỹ 2 lần, mỗi lần 40 phút rồi lọc lấy nước nấu với gạo thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.

- Xương cá sao dấm, bột nhau thai 60g, vỏ trứng gà sao 18g, đường trắng 25g. Tất cả sao khô tán bột. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 0,5g.

- Bột thịt  cóc 10g, lòng đỏ trứng gà 2g, chuối ngự 12g. Đây là liều của một viên thuốc. Bột cóc nên mua ở các cơ sở y tế, chuối sấy khô nhưng còn dẻo, giã nhuyễn, trứng gà đánh tan sấy khô tán bột. Ba thứ trộn lại giã nhuyễn, đóng vào khuôn, sấy khô. Liều dùng: Trẻ em 8 - 20 tháng mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên; 20 - 30 tháng mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 viên; 30 - 40 tháng mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 3 viên./.

Theo SK & ĐS