Logo Bài Thuốc Quý

Bài thuốc từ cây khổ sâm

01/01/2020 · Sức khỏe
Cây Khổ sâm còn có tên gọi khác là: Kê cốt hương, cù đèn, co chạy đón. Cây có nhiều tác dụng chữa bệnh như: chữa ung nhọt, viêm mũi, viêm loét dạ dày - tá tràng, tiêu hoá kém. Dưới đây là các bài thuốc từ cây khổ sâm.

Khổ sâm là loại cây thấp, cao 1-1,5m. Lá mọc so le hình mũi mác, dài 5-9cm, rộng 2-3cm, bìa nguyên, đầu nhọn. Hai mặt lá có lông mịn, mặt dưới lá có ánh bạc. Hoa nhỏ trắng mọc thành chùm ở nách lá hoặc đầu cành, đơn tính cùng gốc. Quả có 3 mảnh vỏ, hạt hình trứng, màu nâu. Cây Khổ sâm mọc hoang và được trồng ở trong các vườn thuốc tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Người dân thường trồng bằng gieo hạt hay trồng bằng cành vào thời tiết mùa xuân. Người dân thu hái lá khi cây đang có hoa, đem phơi hoặc sấy khô.

Cây Khổ sâm khi dùng làm thuốc thì sao vàng. Lá có vị đắng, hơi ngọt, hơi chát, tính mát hay bình, có tác dụng thanh nhiệt tiêu độc, sát trùng.

Tác dụng của cây Khổ sâm dùng chữa ung nhọt, lở loét, viêm mũi, đi ngoài ra máu, viêm loét dạ dày - tá tràng, lỵ, đau bụng, tiêu hoá kém. Ngày dùng 15-20g lá sao vàng, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lấy nước sắc đặc để rửa, chữa mụn nhọt, lở ngứa.

 

Cây khổ sâm, bài thuốc từ cây khổ sâm

Cây khổ sâm

Các bài thuốc từ cây khổ sâm:

 

Bài 1 - Chữa loét dạ dày - tá tràng:

Bài thuốc gồm Lá khổ sâm: 12g; Lá khôi: 40g; Bồ công anh: 20g; Uất kim: 12g; Hậu phác: 12g; Ngải cứu: 8g; Cam thảo: 8g. Cách dùng: Sắc uống, hoặc nấu cao pha siro uống.

Bài 2 - Chữa đau bụng lâm râm, hay sau khi ăn đau bụng, khó tiêu:

Gồm các vị lá Khổ sâm: 40g; Dây ngấy hương: 40g. Cách dùng: phơi khô, thêm 3 lát gừng, sắc uống. Thường dùng sắc 2 thứ lá trên uống thay trà.

Bài 3 - Chữa kiết lỵ hay đau bụng đi ngoài:

Dùng lá Khổ sâm và lá Phèn đen mỗi thứ một nắm sắc uống, hoặc lá Khổ sâm, rau sam, cỏ sữa, nhọ nồi, lá mơ lông, mỗi vị 10g sắc uống, ngày 1 thang.

Bài 4 - Chữa đau bụng không rõ nguyên nhân:

Hái mấy lá Khổ sâm nhai với mấy hạt muối. Trong trường hợp nếu có nôn hay sôi bụng thì nhai với một miếng gừng sống.

Bài 5 - Chữa vẩy nến:

Gồm các vị Khổ sâm: 15g; Huyền sâm: 15g; Kim ngân: 15g; Sinh địa: 15g; Quả ké: 10g. Cách dùng: tán bột làm thành viên, ngày uống 20-25g.

Bài 6 - Chữa khắp mình nổi mẩn ngứa:

Dùng lá Khổ sâm, kinh giới, lá đắng cay, lá trầu không, nấu nước xông và tắm rửa.

Theo daidoanket.vn