Bệnh ung thư cổ tử cung
Bệnh ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là khối u ác tính đứng hàng thứ hai sau ung thư vú, thường xảy ra ở ranh giới giữa biểu mô lát tầng và biểu mô trụ của cổ tử cung.
Theo số liệu của Hiệp hội phòng chống ung thư thế giới thì ung thư cổ tử cung chiếm 12% các ung thư đường sinh dục nữ. Tại Viện ung bướu Hà Nội, ung thư cổ tử cung chiếm khoảng 6%. Nếu tính trên tổng số dân thì ung thư cổ tử cung chiếm từ 6,6 - 8,6/100.000 dân.
Kết quả điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào thời điểm chẩn đoán. Nếu chẩn đoán muộn việc điều trị gặp nhiều khó khăn và kết quả điều trị thấp.
I. Nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung xuất hiện vì bạn đã bị nhiễm một loại vi rút (như là HPV) hoặc do các tác nhân khác (các tác nhân con người)
Tác nhân vi rút
Vi rút HPV nguy cơ cao: HPV chủng 16, 18 được biết đến là vi rút nguy cơ cao. Tương tự, 11 chủng HPV khác cũng làm cho phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung.
Thời gian: Vi rút HPV nguy cơ cao cần xâm nhập vào cơ thể bạn trong một thời gian dài trước khi các tế bào bất thường tăng sinh.
Sự liên hợp: HPV nguy cơ cao cần trở thành một phần của bộ mã di truyền của người. Nếu điều đó xảy ra, cơ thể bạn không thể bảo vệ bạn trước sự phát triển của ung thư.
Yếu tố con người
Di truyền: Một vài phụ nữ thì có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người khác (tiền sử gia đình)
Mang thai: Phụ nữ có nhiều con có nguy cơ phát triển ung thư cao hơn những người khác.
Dinh dưỡng không đủ vitamin A có thể làm tăng khả năng tạo thành ung thư của vi rút.
Hút thuốc: Thuốc lá là tác nhân gây nên nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm cả ung thư cổ tử cụng.
Nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục khác: HIV, herpes sinh dục và Chlamydia làm tăng nguy cơ tạo ung thư của HPV.
Tuổi quan hệ tình dục lần đầu: Phụ nữ quan hệ tình dục sớm có khả năng mắc ung thư cao hơn.
II. Các triệu trứng của bệnh ung thư cổ tử cung
Các dấu hiệu khác thường dưới đây sẽ cảnh báo giúp bạn phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh:
Giai đoạn tiền ung thư thường không có triệu chứng. Sau đó có thể xuất hiện các triệu chứng:
- Huyết trắng dai dẳng, có mùi hôi hoặc có vấy một chút máu
- Chảy máu bất thường trong âm đạo
- Bạn bị chảy máu bất thường trong chu kì kinh nguyệt bình thường
- Chảy máu nhiều sau thời kì mãn kinh
- Vùng xương chậu thường xuyên có cảm giác đau
- Cảm giác đau sau khi làm “chuyện ấy”
Khi bệnh nặng, có chảy dịch nhiều lẫn máu từ âm đạo, kèm với đau nhức vùng lưng, vùng chậu hoặc ở chân. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân bị vô niệu do ung thư chèn ép vào hai niệu quản.
III. Cách điều trị bệnh ung thư cổ tử cung
Các biện pháp điều trị
Xạ trị
Xạ trị ngoài: Sử dụng Cobalt 60, tổng liều 50-60 grays. Biến chứng thường gặp là viêm bàng quang, viêm ruột, các phản ứng của da như tình trạng xơ cứng hạ bì. Quang tuyến liệu pháp được dùng như một biện pháp bổ sung trong trường hợp có di căn đến hạch, hoặc là điều trị trước mổ trong trường hợp khối u quá lớn.
Xạ trị tại chỗ: Sử dụng radium hoặc césium, bằng cách đặt các nguồn tia xạ vào âm đạo - cổ tử cung.
Các biến chứng thường gặp là: Nhiễm trùng, viêm bàng quang thoáng qua, loét trực tràng, dò bàng quang-âm đạo, dò bàng quang-trực tràng.
Phương pháp này chỉ có khả năng tiêu diệt những ổ ung thư tại chỗ và một số chuỗi hạch lân cận.
Điều trị ngoại khoa
Các phương pháp cắt bỏ thương tổn tại chỗ: Khoét chóp.
- Phẫu thuật Wertheim-Meigs.
- Cắt tử cung toàn phần rộng rãi đến 1/3 trên âm đạo.
- Lấy hạch và lấy hết mô mỡ dọc theo các chuỗi hạch thành chậu.
- Lấy nhóm hạch cạnh động mạch chủ.
Điều trị hoá chất
Hoá liệu pháp trước phẫu thuật tỏ ra hữu ích trong các trường hợp khối u trên 2cm.
Liệu trình với Cisplatin 50 mg/m2, Vincristine 1 mg/m2 và Bleomycine 25 mg/m2 trong ngày 1-3/3 tuần có thể làm giảm bớt kích thước khối u, tạo điều kiện cho phẫu thuật dễ dàng và kéo dài thời gian tái phát.
Cho đến nay vẫn chưa xác định được liệu pháp hoá chất tối ưu sau phẫu thuật, nhưng kết quả từ các nghiên cứu hiện có cho thấy Cisplatin đơn thuần liều thấp (40 mg/m2 hàng tuần) hoặc Cisplatin (50 - 75 mg/m2 ngày thứ nhất) phối hợp với 5-FU (1000 mg/m2 trong 4 ngày tiếp theo) có thể cải thiện thời gian sống còn của bệnh nhân.
Chỉ định điều trị
Ung thư trong liên bào
Ở người phụ nữ còn trẻ, còn có nguyện vọng sinh đẻ, có thể khoét chóp hay cắt cụt cổ tử cung, và sau đó cần phải được theo dõi kỹ định kỳ 6 tháng với 3-4 lần làm tế bào học âm đạo. Ở người phụ nữ đủ con, lớn tuổi có thể cắt tử cung toàn phần rộng rãi.
Ung thư xâm lấn
Thông thường xử trí theo phác đồ phối hợp giữa xạ trị và phẫu thuật.
Giai đoạn I – IIa: Chủ yếu là phẫu thuật theo phương pháp Wertheim-Meigs, cắt tử cung hoàn toàn, cắt hai phần phụ, cắt 1/3 trên âm đạo,lấy hết các tổ chức liên kết dưới hai lá dây chằng rộng, nạo hạch trong hố chậu và dọc theo động mạch chủ bụng. Đối với giai đoạn Ib, nhiều tác giả nêu lợi ích của xạ trị trước phẫu thuật nhằm giảm mức độ ác tính của tế bào ung thư, diệt những ổ lan tràn quanh tổn thương nguyên phát, ngăn chặn di căn. Xạ trị trước mổ, nguồn xạ sử dụng là césium hay radium, ngừng xạ trị khoảng 6 tuần trước phẫu thuật, xạ trị sau mổ dùng tia Cobalt chiếu vào vùng chậu nơi đã lấy hạch có tế bào ung thư.
Giai đoạn IIb và giai đoạn III: Xạ trị và đánh giá lại để cân nhắc chỉ định phẫu thuật.
Giai đoạn IV: Xạ trị và điều trị hỗ trợ, có thể áp dụng phẫu thuật tạm thời như dẫn lưu bàng quang, hậu môn nhân tạo.
Tiên lượng
Các yếu tố tiên lượng: Phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, di căn hạch, kích thước khối ung thư, thể trạng của bệnh nhân và mức độ triệt để của phẫu thuật.
Tỷ lệ sống sau 5 năm:
Giai đoạn ung thư trong liên bào: 100%.
Giai đoạn I: 80%.
Giai đoạn II: 50%.
Giai đoạn III: 20-30%.
Giai đoạn IV: dưới 10%.
IV. Cách phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung nguy hiểm vì gây tử vong cao vào giai đoạn xâm lấn, song tiến triển chậm, nếu được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi. Do đó dự phòng ung thư cổ tử cung có vai trò rất lớn trong việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Để phòng bệnh, cần khuyến cáo các phụ nữ nên:
- Sinh ít.
- Thực hiện tốt vệ sinh phụ nữ.
- Khám phụ khoa định kỳ, ít nhất là 1 lần/năm để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc (làm phiến đồ âm đạo - cổ tử cung...) hoặc đi khám ở cơ sở chuyên khoa khi có dấu hiệu bất thường như: Ra máu sau giao hợp, khí hư bất thường.
- Điều trị sớm và triệt để các tổn thương lành tính cổ tử cung.
- Tránh quan hệ tình dục quá sớm, tránh có nhiều bạn tình.