Bệnh viêm lợi
1. Nguyên nhân gây viêm lợi
Lợi là hàng rào bảo vệ ngoài cùng của tổ chức quanh răng chống lại vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn và các sang chấn. Viêm lợi xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa sự chống đỡ của hệ miễn dịch tại chỗ và vi khuẩn nằm trong mảng bám răng và vôi răng.
Mảng bám răng là một màng dính nằm trên bề mặt răng, gồm có vi khuẩn, chất nhầy và vụn thức ăn, trên màng dính này các chất cặn khoáng của nước bọt sẽ lắng đọng lên tạo thành vôi răng.
Vôi răng nhiều gây ra viêm lợi, viêm nha chu
Yếu tố thuận lợi gây viêm lợi:
Thay đổi hoc môn ở tuổi dậy thì, tuổi thanh niên và thời kỳ mang thai, người mắc bệnh tiểu đường, người ốm nặng, răng mọc lệch lạc, trám lỗ sâu răng mặt bên không đúng kỹ thuật, răng giả không khít, vệ sinh răng miệng kém.
- Viêm lợi là một bệnh xã hội, ước chừng có đến 90% dân số mắc bệnh ở mức độ nào đó.
2. Dấu hiệu phát hiện bệnh viêm lợi
Tùy theo mức độ mà lợi có thể đỏ hay đỏ tía, có thể xưng phì đại, mất độ săn chắc và trông bóng hơn, chảy máu khi chạm phải hay chảy máu tự nhiên, miệng có mùi hôi, có thể đau hoặc không.
Lợi sưng đỏ, chảy máu là biểu hiện lợi bị viêm
3. Hậu quả của viêm lợi gây ra
Viêm lợi nếu không được điều trị có thể dẫn tới viêm toàn bộ tổ chức quanh răng gọi là viêm quanh răng hay còn gọi viêm nha chu, là nguyên nhân chính khiến răng bị rụng sớm.
Viêm lợi dẫn đến viêm nha chu nếu không điều trị sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
4. Phòng và điều trị viêm lợi
- Mỗi người hãy đi khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện răng sâu và cạo vôi răng, việc chải răng đúng cách cũng rất quan trọng để phòng viêm lợi.
Khám và cạo vôi răng 6 tháng định kỳ là cách tốt nhất phòng tránh viêm lợi
- Điều trị: Cần phải loại bỏ nguyên nhân là mảng bám răng và vôi răng đồng thời nâng cao sức khỏe toàn thân cho bệnh nhân, bệnh nhân phải đến phòng khám để bác sĩ lấy sạch cao răng. Sau khi đã hết vôi răng, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám răng.
Răng được làm sạch vôi bạn sẽ hết bị viêm lợi
Nếu bệnh nhân đang bị chảy máu lợi nhiều thì nên sử dụng thuốc kháng sinh, như Vidorigyl. Trong mỗi viên Vidorigyl có 100 mg spiramycine và 125 mg metronidazole, uống 4 đến 6 viên mỗi ngày, chia 2 hoặc 3 lần.